Với sự phát triển của chiến tranh hiện đại, các đơn vị tấn công đường không có khả năng hoạt động nhanh chóng và cơ động đã trở thành lực lượng chính trong quân đội nhiều quốc gia. Quân đội Mỹ cũng đã từng sử dụng lực lượng đổ bộ đường không rất hiệu quả trong nhiều cuộc chiến, tuy nhiên quốc gia nổi tiếng về sử dụng lực lượng tấn công đường không lại là Nga.
Lính dù Nga đã hai lần đánh chiếm các thủ đô của nước khác. Ngày 20/8/1968, một chiếc máy bay vận tải An-12 của không quân Liên Xô đã giả danh máy bay dân dụng và hạ cánh xuống sân bay Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, rất nhanh chóng hàng chục biệt kích đã tràn ra từ máy bay chiếm đóng sân bay và tháp chỉ huy.
Sau đó, quân đội Liên Xô tràn vào thành phố và giành quyền kiểm soát thủ đô của Séc. Cùng lúc với cuộc tấn công bất ngờ vào sân bay, lực lượng thiết giáp của Liên Xô tấn công từ 5 hướng chính, 6 giờ sau toàn bộ Cộng hòa Séc thất thủ.
Ngày 27/12/1979, lữ đoàn đặc nhiệm Liên Xô "Alpha" hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kabul và kiểm soát thủ đô Afghanistan trong vòng chưa đầy ba giờ. Cùng thời điểm "Alpha" xuất kích, sáu sư đoàn của quân đội Liên Xô mở cuộc tấn công gọng kìm vào Afghanistan. Một tuần sau, đã chiếm toàn bộ lãnh thổ Afghanistan.
Nhưng nhiều chuyên gia quân sự lại thắc mắc: Tại sao lực lượng đổ bộ đường không của Nga lại không tấn công được thủ đô Kiev trong lần này? Khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine này, quân đội Nga cũng muốn lặp lại thủ đoạn cũ của mình.
Ngày 24/2, hàng chục máy bay trực thăng Ka-52 và Mi-8 của Nga cùng 200 lính dù tinh nhuệ đã không kích sân bay Antonov, cách thủ đô Kiev của Ukraine chỉ 25 km. Đồng thời, các binh đoàn thiết giáp của quân đội Nga trên bộ tấn công vào Ukraine theo chiều sâu từ nhiều hướng như Belarus và Ukraine.
Không ngờ, Ukraine đã chuẩn bị trước và điều động trực tiếp lữ đoàn phản ứng nhanh số 45 với vũ khí hạng nặng. Dưới sự hướng dẫn và hiệu chỉnh của máy bay không người lái, quân đội Ukraine đã nã đạn pháo vào sân bay. Sau một đêm giao tranh ác liệt, quân đội Ukraine đã phá hủy sân bay và khiến quân đội Nga không thể đổ quân xuống sân bay theo kế hoạch.
Lần này, lực lượng lính dù Nga đã thất bại trong việc tái lập các chiến công ở Praha và Kabul năm đó vì nhiều lý do. Đầu tiên là quân đội Nga sử dụng các chiêu thức cũ và quân đội Ukraine đã quá quen thuộc với quân đội Nga. Bộ ba tác chiến “đặc công đánh phá sân bay + đổ bộ đường không chiếm giữ thủ đô + lực lượng thiết giáp tập kích” của quân đội Nga đã bị Ukraine bắt bài.
Thứ hai, sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng. Các đối thủ trước đây của quân đội Liên Xô không có một hệ thống cảnh báo sớm hoàn hảo. Tuy nhiên, lần này dù NATO tuyên bố sẽ không trực tiếp tham chiến nhưng sự hỗ trợ tình báo của khối này dành cho Ukraine chắc chắn sẽ không ít.
Dưới sự giúp sức của các vệ tinh Mỹ, tính đột ngột trong các hoạt động của quân đội Nga phải giảm đi rất nhiều. Thứ ba là quân đội Nga đã có một số sơ suất và chưa phát huy hết sức mạnh. Hoạt động quân sự đặc biệt của Nga có nhiều mục đích, trong đó việc chiếm tình cảm của người dân Ukraine cũng là một lý do.
Do đó, quân đội Nga không có các biện pháp cơ bản để tấn công Ukraine, các cơ sở hạ tầng quan trọng như thông tin liên lạc và điện ở Kiev khi đó vẫn hoạt động bình thường. Điều này cũng dẫn đến việc quân đội Ukraine vẫn có một tổ chức hoàn chỉnh, thông tin liên lạc thông suốt và chỉ huy tốt. Quân đội Ukraine bình tĩnh tổ chức phản công tại sân bay.
Trên thực tế, ngay cả khi các cơ sở liên lạc không bị tấn công trực tiếp, nhưng nếu quân đội Nga triển khai tác chiến điện tử đủ sức mạnh, cuộc phản công của quân đội Ukraine sẽ không suôn sẻ như vậy. Kể cả khi quân đội Ukraine phản công vào sân bay, quân đội Nga chỉ cần duy trì được lực lượng không quân tương đối mạnh cũng đủ sức đè bẹp sự phản kháng của Ukraine.
Tất nhiên, phân tích khách quan cho thấy, màn trình diễn của lực lượng đổ bộ đường không Nga trong trận chiến này vẫn rất mạnh. Mặc dù không đạt được mục tiêu của cuộc tấn công bất ngờ vào Kyiv, nhưng chỉ với 200 lính dù Nga và không có bất kỳ vũ khí hạng nặng nào cũng đủ sức chiến đấu với cả một lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine.
Tuy ý định tấn công bất ngờ chưa đạt được, nhưng không có nghĩa là quân đội Nga không có khả năng chiến thắng Kiev, kế hoạch tấn công bất ngờ sẽ biến thành một cuộc chiến bao vây. Giới chuyên gia nhận định, nếu quân Nga phải tham gia các trận chiến trên đường phố thì những tổn thất và thương vong, đặc biệt là dân thường chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều.
Hiện nhiều vũ khí hạng nặng của quân đội Nga đã được đưa vào chiến trường Ukraine để siết chặt vòng vây, có thể thấy trận chiến sẽ diễn ra vô cùng ác liệt. Trong mọi trường hợp, tất cả mọi người đều hy vọng rằng hòa bình sẽ đến với Ukraine càng sớm càng tốt. Nguồn ảnh: Flickr.
Thái Hòa