Điều gì sẽ xảy ra nếu không có đảng nào giành đại đa số sau bầu cử quốc hội Pháp?
Dưới đây sẽ là những kịch bản có thể diễn ra sau khi kết quả vòng hai bầu cử Quốc hội Pháp công bố ngày 7/7 cho thấy liên minh cánh tả dẫn đầu nhưng không giành được đa số tuyệt đối.
Theo kết quả dự đoán của nhà bên thăm dò ý kiến, Liên minh Mặt trận nhân dân mới (NPF) cánh tả đang trên đường giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội nhưng sẽ không đạt được số ghế 289 cần thiết để đảm bảo thế đa số tuyệt đối ở Hạ viện.
Kết quả này cũng mang đến một thất bại cay đắng cho đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu, đảng được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu nhưng lại phải chịu thất bại sau khi NFP và liên minh ôn hòa “Together” của Tổng thống Emmanuel Macron hợp tác với nhau trong hai vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Các bảng thăm dò đều dự đoán đảng RN sẽ đứng thứ ba, sau liên minh Together.
Tuy nhiên, các con số này cũng đồng nghĩa với việc không ai trong số 3 khối đảng này có thể tự thành lập chính phủ và sẽ cần sự hỗ trợ từ những người đảng khác để thông qua luật.
Liệu có hình thành liên minh cánh tả?
Các nhà phân tích cho rằng kịch bản này không quá chắc chắn. Theo truyền thống, Pháp không quen với việc xây dựng liên minh sau bầu cử thường thấy ở các nền dân chủ nghị viện Bắc Âu như Đức hay Hà Lan.
Trong lịch sử, đến Hiến pháp năm 1958 của nền Cộng hòa Đệ Ngũ dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle, vai trò chính trị của Nghị viện đã bị đẩy lùi sau Tổng thống và Chính phủ. Điều này đã tạo ra một nền văn hóa chính trị đối đầu không có truyền thống đồng thuận và thỏa hiệp.
Chính trị gia cánh tả ôn hòa Raphael Glucksmann, một nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu, cho biết tầng lớp chính trị sẽ phải “hành động như những người trưởng thành".
Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo của đảng cánh tả France Unbowed (LFI), đã loại trừ khả năng hình thành một liên minh lớn gồm các đảng phái khác nhau. Ông nói rằng Tổng thống Macron có nhiệm vụ kêu gọi liên minh cánh tả cầm quyền.
Đối với phe ôn hòa, người đứng đầu đảng của Tổng thống Macron là Stephane Sejourne, cho biết ông sẵn sàng làm việc với các đảng chính thống nhưng loại trừ bất kỳ thỏa thuận nào với đảng LFI của ôngMelenchon. Cựu Thủ tướng Edouard Philippe cũng loại trừ khả năng đi đến một thỏa thuận hình thành liên minh với đảng cực tả.
Về phần mình, bản thân Tổng thống Macron cho biết ông sẽ đợi quốc hội mới tìm ra cơ cấu để quyết định bước đi tiếp theo của mình.
Nếu các bên không đạt được thỏa thuận
Hiến pháp quy định Tổng thống Macron không thể triệu tập cuộc bầu cử quốc hội mới trong 12 tháng nữa.Trong một tuyên bố, Thủ tướng Gabriel Attal cho biết ông sẽ đệ đơn từ chức lên tổng thống vào sáng 8/7.
Theo Hiến pháp, Tổng thống Macron sẽ quyết định ai nhận trách nhiệm yêu cầu thành lập chính phủ. Nhưng bất cứ ai mà ông chọn đều phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 18/7. Điều này có nghĩa là Tổng thống Macron cần chỉ định một người được đa số các nhà lập pháp chấp nhận.
Tổng thống Macron được cho là có thể loại trừ những người theo Đảng Xanh khỏi liên minh cánh tả, cô lập đảng cực tả France Unbowed (nước Pháp Không khuất phục), để thành lập một liên minh trung tả với khối của chính ông.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy NPF sắp tan rã ở giai đoạn này.
Một kịch bản khác là một chính phủ gồm các nhà kỹ trị sẽ quản lý các công việc hàng ngày nhưng không giám sát những thay đổi về cơ cấu.