Điều gì xảy ra khi drone biểu diễn mất sóng, thất lạc?

Các buổi biểu diễn drone diễn ra ngày càng nhiều với quy mô hoành tráng, yêu cầu việc quản lý rủi ro cần được siết chặt tương ứng.

 Nhiều drone trong sự cố biểu diễn ngày 30/4 bị rơi. Ảnh: Diễm Quỳnh.

Nhiều drone trong sự cố biểu diễn ngày 30/4 bị rơi. Ảnh: Diễm Quỳnh.

Là sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, trình diễn drone đang được lựa chọn thường xuyên hơn tại nhiều sự kiện quy mô lớn trong những năm gần đây. Loại hình này mang đến cho khán giả trải nghiệm mới lạ và hiệu ứng thị giác độc đáo.

Tuy nhiên, các sự cố drone mất kiểm soát trong lúc biểu diễn vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Cuối năm ngoái, khoảng 2.000 drone đã rơi khỏi bầu trời Quảng Châu, Trung Quốc trong một sự cố. Hay đầu năm nay, một số drone đã rơi và bốc cháy trong buổi tổng duyệt cho chương trình Tết tại Hà Nội

Gần đây nhất, nhiều drone bị rơi, hạ cánh không đúng địa điểm gây thất lạc trong buổi bay biểu diễn tối 30/4 tại TP.HCM.

Vì sao drone bị mất kiểm soát

Trong một show trình diễn drone, người điều khiển từ trung tâm mặt đất sẽ gửi tín hiệu theo thời gian thực, đảm bảo drone bay theo đúng quỹ đạo đã lập trình sẵn. Do đó, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến drone mất kiểm soát là do nhiễu sóng vô tuyến.

Môi trường sóng vô tuyến thường phức tạp với nhiều loại tần số khác nhau, kể cả sóng chưa đăng ký với Cục Tần số vô tuyến điện, hay thiết bị phá sóng. Sự nhiễu này có thể đến từ các thiết bị vô tuyến khác, nguồn nhiễu điện từ hoặc hiện tượng tự nhiên như sét.

Những yếu tố trên cũng có thể gây ra nhiễu sóng GPS, giúp drone xác định chính xác vị trí và bay theo quỹ đạo đã lập trình. Tín hiệu này rất dễ bị ảnh hưởng, che khuất bởi vật thể như tòa nhà, cây cối, hoặc nhiễu sóng điện từ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, sự cố kỹ thuật đêm 30/4 khiến Ban tổ chức đã quyết định ngừng bay, thu hồi drone để đảm bảo an toàn.

 Sự cố trong tổng duyệt trình diễn 10.500 drone được cho là bị nhiễu sóng. Ảnh: MXH.

Sự cố trong tổng duyệt trình diễn 10.500 drone được cho là bị nhiễu sóng. Ảnh: MXH.

Bên cạnh đó, lỗi trong mã lệnh điều khiển cũng có thể khiến thiết bị bay lệch quỹ đạo, va chạm với nhau. Trình diễn drone đòi hỏi quá trình lập trình và thiết kế cẩn thận. Nếu bộ xử lý trung tâm gặp sự cố, cả đội hình có thể ngừng hoạt động và buổi trình diễn sẽ thất bại.

Các yếu tố môi trường như gió, độ ẩm, thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của buổi trình diễn. Chẳng hạn, gió mạnh có thể làm lệch quỹ đạo bay hoặc khiến drone mất kiểm soát. Nhiệt độ cao có thể gây quá tải động cơ. Độ ẩm cao dễ khiến các linh kiện điện tử bị ẩm và hoạt động kém ổn định.

Không bàn đến yếu tố ngoại cảnh, buổi trình diễn drone thất bại cũng phải kể đến vai trò người vận hành nó. Nếu thiếu kỹ thuật, chuyên môn, họ có thể thao tác hoặc đánh giá sai tình huống trong lúc trình diễn. Ngoài ra, nếu quá trình chuẩn bị trước buổi biểu diễn không đầy đủ, nguy cơ xảy ra lỗi sẽ tăng lên đáng kể.

Điều gì xảy ra sau khi drone mất sóng

Hầu hết thiết bị không người lái chuyên nghiệp đều được lập trình sẵn để tự quay về vị trí cất cánh nếu mất tín hiệu. Tính năng này được gọi là Return to home (RTH), cho phép drone ghi nhận điểm xuất phát nếu có kết nối với GPS tại thời điểm đó. Đây là phương án phổ biến nhất trong các show lớn để hạn chế rủi ro.

Theo trang Drone Kenner, khi RTH được kích hoạt, trừ khi đã bay cao hơn, drone sẽ bay lên độ cao tối thiểu đã thiết lập. Sau đó, thiết bị sẽ di chuyển theo đường thẳng ở độ cao đó, và cuối cùng hạ cánh ngay điểm xuất phát.

Trường hợp mất tín hiệu tạm thời, một số drone có thể được lập trình để giữ nguyên vị trí trên không và chờ kết nối được phục hồi. Tuy nhiên, tính năng này được khuyến cáo không nên sử dụng trong buổi diễn quy mô lớn.

Trong không gian trình diễn rộng lớn, việc drone "treo" trên không trong tình huống mất tín hiệu khiến người điều khiển không biết rõ vị trí, gây khó khăn khi cần quyết định khẩn cấp. Ngoài ra, khi một hoặc nhiều drone lơ lửng bất ngờ tại chỗ, chúng sẽ cản đường bay của đội ngũ, dễ gây va chạm hàng loạt.

 Hình ảnh drone trước buổi tổng duyệt tối 28/4. Ảnh: Phương Lâm.

Hình ảnh drone trước buổi tổng duyệt tối 28/4. Ảnh: Phương Lâm.

Khi được lập trình sẵn, thiết bị có thể tự hạ cánh an toàn tại chỗ (safe-landing). Trường hợp này cũng xảy ra khi drone bị mất sóng, treo lơ lửng trên không trong thời gian dài dẫn đến cạn kiệt pin.

Trong tình huống xấu nhất, drone có thể rơi tự do hoặc bay loạn xạ. Khi đó, hệ thống định vị và điều khiển bị vô hiệu hóa hoàn toàn, khiến thiết bị mất khả năng xác định vị trí, hướng bay và mục tiêu.

Drone rơi xuống đột ngột sẽ tương tự một vật thể nặng, gây nguy hiểm cho người xem. Đây là lý do vì sao các show thường được tổ chức ở khu vực không có khán giả bên dưới, hoặc trên một khoảng cách an toàn.

Tóm lại, việc drone bị mất kiểm soát trong lúc biểu diễn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Để giảm thiểu rủi ro này, ban tổ chức cần đồng bộ triển khai nhiều biện pháp từ tăng cường giám sát, tối ưu hệ thống định vị, đến chuẩn bị kỹ thuật và đào tạo con người.

Drone 'rơi như mưa' sau màn trình diễn tối 30/4 ở TP.HCM Sau ít phút biểu diễn, nhiều drone bất ngờ rơi xuống nơi người dân đứng ở công viên bờ sông Sài Gòn. Ban tổ chức đang tìm kiếm, thu hồi số drone này.

Nhật Tường

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-drone-bieu-dien-mat-song-that-lac-post1550424.html