Điều gì xảy ra khi mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu bị đóng cửa?
Lịch sử ngành năng lượng của châu Âu đang chuyển sang một trang mới, khi mỏ khí đốt tự nhiên Groningen của Hà Lan – mỏ khí lớn nhất châu Âu – đóng cửa kể từ ngày 1/10.
* Cần thiết phải đóng cửa mỏ Groningen
Mỏ khí đốt tự nhiên Groningen, hay còn gọi là Slochteren theo tên một ngôi làng nhỏ cạnh thành phố Groningen ở phía Bắc của Hà Lan, là một trong 10 mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Được phát hiện vào năm 1959, mỏ này chứa 2.800 tỷ m3 khí methanon, do liên doanh giữa Dutch Shell (Hà Lan) và ExxonMobil (Mỹ) kết hợp với Nederlandse Aardolie Maatschappij (NAM) của Hà Lan đồng vận hành.
Theo số liệu của NAM, 2.300 tỷ m3 đã được khai thác từ mỏ Groningen trong hơn 60 năm hoạt động, cao điểm lên tới 80 tỷ m3/năm. Khí đốt mang về số tiền tương đương 429 tỷ euro (453,24 tỷ USD), trong đó 85% (360 tỷ euro) được đưa vào Kho bạc Nhà nước Hà Lan.
Mặc dù mang lại nguồn cung khí đốt dồi dào và những khoản doanh thu khổng lồ, nhưng mỏ Groningen cũng tạo ra những tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Một trong những tác động lớn nhất mà mỏ này gây ra là việc khai thác khí đốt đã làm suy yếu lòng đất trong khu vực, gây ra nhiều trận động đất và gây lo ngại cho người dân địa phương. Nhiều căn nhà quanh khu vực mỏ bị nứt, thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Vào tháng 8/2012, một trận động đất mạnh 3,6 độ richter ở làng Huizinge đã bùng phát và nguy cơ sẽ còn xuất hiện thêm các cơn địa chấn khác nếu việc khai thác tiếp tục được thực hiện với năng suất cao.
Năm 2018, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte công khai ý định ngừng hoạt động khu mỏ Groningen. Sau rất nhiều đắn đo, thảo luận, vào tuần trước, hội đồng Bộ trưởng Hà Lan đã thống nhất ngày chính thức kết thúc hoạt động khai thác của mỏ Groningen bắt đầu từ 1/10/2023. Việc đóng cửa khu mỏ không được thực hiện hoàn toàn ngay lập tức, cơ chế hoạt động có thể tiếp tục theo cách “tạm thời và có giới hạn”, trong trường hợp có đợt rét đậm vào mùa Đông này, khi nền nhiệt độ từ mức -6,5°C trở xuống. Cho đến ngày 1/10/2024, toàn bộ cơ sở khai thác khí methanon tại khu mỏ mới chính thức dừng hoạt động và bị dỡ bỏ.
* Nguồn nhiên liệu thay thế hoàn hảo
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây. Moskva gần như đã ngưng bán khí methanon cho châu Âu. Với 500 tỷ m3 khí methanon vẫn nằm im dưới lòng đất, mỏ Groningen trở thành “ứng cử viên” tiềm tang thay thế cho khí đốt của Nga. Nhưng Chính phủ Hà Lan đã từ chối đề nghị của châu Âu, bất chấp áp lực từ láng giềng Đức.
Tốc độ bơm khí tại khu mỏ Groningen đã dần giảm, từ 20 tỷ m3 mỗi năm vào giai đoạn 2017-2018 xuống còn 2,8 tỷ m3 vào giai đoạn 2022-2023. Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nặng nề, châu Âu buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp khí đốt khác như Na Uy, Mỹ, Qatar, Azerbaijan... để bù đắp cho nguồn khí đốt thiếu hụt mà Nga không cung cấp.
* Giải pháp thay thế mỏ Groningen
Chắc chắn, các mỏ khí đốt ngoài khơi vẫn sẽ được khai thác ở Hà Lan, trên khu vực Biển Bắc. Nhưng sản lượng dự kiến vẫn không đủ. Năm 2021, Hà Lan sản xuất chưa đến 9 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Rất khó để quốc gia này lấy lại vị thế nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai châu Âu (sau Na Uy) - vị trí mà Hà Lan vốn từng nắm giữ nhờ mỏ Groningen.
Belgium (Bỉ), quốc gia láng giềng của Hà Lan, cũng được hưởng lợi từ mỏ khí này, do Hà Lan là một trong những nhà cung cấp chính về khí đốt cho Bỉ. Tuy nhiên, việc đóng cửa mỏ khí methanon ở Hà Lan sẽ không ảnh hưởng đến Belgium do khí đốt của Hà Lan là loại khí có nhiệt trị thấp – còn được gọi là khí “kém” hoặc khí L. Trước thông báo đóng cửa mỏ Groningen, các nhà quản lý Mạng lưới vận tải và phân phối (Fluxys) của Belgium như Sibelga, Ores, Resa, Fluvius, cách đây vài năm đã bắt đầu chuyển đổi cơ sở lắp đặt của họ sang mỏ khí “giàu” hoặc khí H - loại khí đốt được khai thác ở Na Uy, Vương quốc Anh hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ hoặc Qatar.
Vào thời điểm này, chỉ một phần nhỏ lượng khí đốt mà Bỉ tiêu thụ - chưa đến 8% vào tháng 8/2022 theo số liệu từ Bộ Kinh tế Liên bang - vẫn được cung cấp bởi khí “kém” của Hà Lan. Ông Tim De Vil, người phát ngôn của nhà cung cấp khí đốt quốc gia Fluxys giải thích: “Hiện tại, chúng tôi có một số khu vực ở vùng Wallonia Brabant, Flemish Brabant và Limburg vẫn được cung cấp khí L. Đến ngày 1/9/2024, toàn bộ khí đốt của Bỉ sẽ được chuyển đổi thành khí H”.
Cảng Zeebrugge của Belgium là nơi cập bến của các tàu chở khí LNG vào châu Âu. Nơi đây có các đường ống dẫn khí đốt nối Belgium với Na Uy, đến Vương quốc Anh và đến điểm cuối là nhà ga khí đốt Dunkirk ở Pháp, biến quốc gia này thành “trung tâm” vận chuyển khí đốt ở Tây Âu. Theo ông Tim De Vil, không có vấn đề gì về an ninh nhiên liệu tại Belgium và châu Âu. Hiện nhà cung cấp Fluxys đang nỗ lực tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt giữa Zeebrugge và Brussels (thông qua Desteldonk và Opwijk).
Đường ống Fluxys vẫn sẽ được sử dụng để vận chuyển khí L từ Hà Lan sang Pháp ít nhất là cho đến năm 2028. Trong số 30,2 TWh khí đốt được nhập khẩu từ Hà Lan trong 8 tháng đầu năm 2023, gần một nửa được vận chuyển qua Belgium đến Pháp.
Trên thực tế, do sự suy giảm trong sản xuất nội địa kéo dài nhiều năm qua, Hà Lan đã bắt đầu sản xuất khí đốt tổng hợp loại L bằng cách thêm nitơ vào khí H để giảm nhiệt trị. Luồng khí H này chủ yếu đến từ Belgium, được vận chuyển bằng đường ống qua biên giới sang Hà Lan. Khí đốt xuất khẩu từ Belgium sang Hà Lan hiện đã vượt xa lượng khí mà Belgium nhập khẩu từ Hà Lan. Trong tháng Tám, Belgium đã nhập khẩu 3 TWh khí loại L từ Hà Lan và xuất khẩu 6,1 TWh khí loại H ra ngoài khu vực Moerdijk, trong đó một phần lớn là dành cho Đức.
Về lâu dài, liệu việc đóng cửa mỏ Groningen có giúp ngăn chặn các nguy cơ môi trường xung quanh khu vực này hay không. Theo các nhà nghiên cứu, rủi ro vẫn sẽ tồn tại. Việc đóng các van khí đốt không đồng nghĩa với việc kết thúc nguy cơ địa chấn. Các chuyên gia ước tính động đất vẫn có thể xảy ra trong ít nhất 10 năm nữa. Vì vậy, vẫn còn nhiều điều phải lo lắng ngay cả khi mỏ Groningen đóng cửa./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-mo-khi-dot-lon-nhat-chau-au-bi-dong-cua/308494.html