Điều gì xảy ra khi tất cả Bitcoin được khai thác?
Ngành công nghiệp đào coin và thị trường tiền mã hóa sẽ thay đổi rất nhiều khi đồng Bitcoin cuối cùng được thưởng cho thợ đào, dự kiến vào năm 2140.
Khi Satoshi Nakamoto tạo ra mạng Bitcoin, ông đã đặt nguồn cung tối đa là 21 triệu BTC. Thiết kế này nhằm hạn chế tình trạng lạm phát trên thị trường Bitcoin và nâng cao giá trị của đồng tiền này. Tới tháng 4/2022, sau 13 năm khai thác, thợ đào trên thế giới đã khai thác đồng Bitcoin thứ 19 triệu, tức là chỉ còn lại chưa đến 2 triệu BTC.
Theo Vlad Costea, nhà sáng lập Bitcoin Takeover, BTC cuối cùng dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2140. Sau thời điểm đó, sẽ không còn Bitcoin mới được tạo ra.
Ảnh hưởng đến thợ đào
Khai thác Bitcoin là một quá trình xử lý và xác nhận thanh toán trên hệ thống mạng lưới Bitcoin. Những cỗ máy đào sẽ tính toán để giải mã một giao dịch bằng Bitcoin đã thực hiện trước đó, và lưu vĩnh viễn thông tin giao dịch đó vào Blockchain. Sau khi hoàn thành một khối, thợ đào sẽ nhận được một lượng Bitcoin nhất định và phí giao dịch.
Lượng Bitcoin thợ đào nhận được trong một khối sẽ giảm một nửa sau mỗi bốn năm, quá trình này được gọi là halving. Ban đầu, phần thưởng cho mỗi khối hoàn thành là 50 BTC. Đến tháng 5/2020, sau đợt halving thứ ba, các thợ đào Bitcoin chỉ nhận được 6,25 BTC cho mỗi khối họ khai thác.
Hiện tại, hầu hết thợ đào và công ty khai thác đều rao bán số Bitcoin kiếm được trên các chợ giao dịch để bù đắp chi phí hoạt động của quá trình khai thác và tạo ra lợi nhuận. Dần dần chi phí vận hành hoạt động khai thác sẽ vượt quá số BTC họ kiếm được, điều này có thể xảy ra trước khi Bitcoin đạt đến giới hạn nguồn cung.
Theo ông Ankur Dubey, giám đốc phụ trách đầu tư tại Jupiter Capital, ngay cả sau khi tất cả Bitcoin được khai thác, những người thợ đào vẫn sẽ tham gia vào mạng lưới blockchain vì phí giao dịch mà họ nhận được.
Bên cạnh việc được thưởng Bitcoin mỗi khi hoàn thành một khối, thì những thợ đào còn được thanh toán chi phí xử lý và xác thực giao dịch. Con số này hiện nay rất nhỏ, chỉ vài trăm USD/khối, không đáng là bao so với giá trị Bitcoin. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn, giá xử lý giao dịch có thể tăng gấp nhiều lần.
Ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Đối với các nhà đầu tư, những người sử dụng giao dịch để kiếm lời, thì việc lượng Bitcoin giới hạn sẽ là tin mừng cho họ. Bitcoin càng khan hiếm, giá của mỗi đồng sẽ càng cao.
Trong thực tế, sau cả 3 lần halving gần nhất, diễn ra vào tháng 11/2012, tháng 7/2016 và tháng 5/2020 thì giá Bitcoin đều tăng cao chỉ trong khoảng 1 năm, chạm các cột mốc 1.000 USD, 19.000 USD và gần nhất là 69.000 USD.
Khi các tổ chức và nhà đầu tư nhận ra độ khan hiếm của Bitcoin, họ có thể đổ xô đầu tư, tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) có thể lên cao. Cú sốc về nguồn cung trên thị trường sẽ tăng mạnh và tạo ra nhiều ảnh hưởng đến cả thị trường tiền mã hóa lẫn tiền tệ truyền thống.
Ngoài ra, còn một vấn đề lớn là ngay cả khi tất cả Bitcoin được khai thác trong tương lai, trong thực tế sẽ không có đủ 21 triệu Bitcoin được lưu hành. Theo Chainalysis, một công ty phân tích Blockchain, khoảng 20% tổng số Bitcoin được khai thác đã bị mất. Nhiều Bitcoin trong số này nằm trong những chiếc ví không thể truy cập được do mất mật khẩu hoặc trục trặc phần cứng.
Trong khi đó, chuyên gia Hitesh Malviya, nhà sáng lập của itsblockchain.com lại cho rằng việc dự đoán giá Bitcoin sẽ như thế nào sau 120 năm là rất khó.
“Giá cả sẽ phụ thuộc vào nhu cầu trong tương lai, các quy định. Nhưng có một điều chắc chắn là đến lúc đó Bitcoin sẽ trở thành tài sản khan hiếm nhất trên thế giới”, Ông Malviya giải thích.