Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt giống Nga?
Với những lợi thế quan trọng như vai trò trong chuỗi cung ứng, kho dự trữ ngoại hối khổng lồ hay nền kinh tế rộng mở, kịch bản phương Tây trừng phạt Trung Quốc sẽ khó lòng xảy ra.
Theo SCMP, chưa bao giờ Washington công khai khả năng trừng phạt Trung Quốc bằng các biện pháp nặng tay như trục xuất khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay đóng băng dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, sau khi Nga trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải xem xét những nguy cơ tiềm tàng nếu muốn hỗ trợ Moscow.
Trung Quốc có vị thế quan trọng
Dẫu vậy, Nga không phải Trung Quốc, nền kinh tế lớn gấp 10 lần và gắn bó chặt chẽ với hệ thống kinh tế toàn cầu. Quốc gia này phụ thuộc chủ yếu vào ngoại thương cũng như sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 3.250 tỷ USD, được lưu trữ phần lớn ở Mỹ và châu Âu.
“Các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây do Mỹ đứng đầu đang áp dụng với Nga có thể coi là một lời cảnh báo đặc biệt cho Trung Quốc”, He Weiwen, cựu Tham tán kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco, nhận định.
Theo quan điểm của một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên, việc không có nhiều công cụ để chống lại tác động từ lệnh trừng phạt sẽ khiến Trung Quốc chịu tổn thương nhiều hơn so với Nga.
Song, Trung Quốc đã tạo dựng thành công một chỗ đứng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, giới phân tích cho rằng sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí không thể, nếu hơn 120 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Mỹ, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với Trung Quốc, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cục diện chung. Trung Quốc có lượng lớn tài sản ở Mỹ và châu Âu nhưng ngược lại cũng vậy. Do đó, các chuyên gia phân tích tin rằng sẽ khó có một sự leo thang mạnh mẽ và đột ngột.
Trung Quốc và Mỹ đều có cổ phần của nhau. Vì vậy với Mỹ, Trung Quốc khác biệt hoàn toàn với Nga. Các toan tính chính trị chắc chắn sẽ bị điều kiện kinh tế kìm hãm
He Weiwen, cựu Tham tán kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco
Trên hết, Mỹ và phương Tây cần có lý do xác đáng nếu muốn áp dụng những biện pháp mạnh tay giống như Nga.
Theo Shi Yinhong - Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin kiêm cố vấn Hội đồng Nhà nước - thái độ của phương Tây với Nga đã được chính phủ tính toán trước. Do vậy, chính phủ cùng các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Nga đang tiếp cận rất thận trọng ngay từ thời điểm chiến tranh bắt đầu.
Chia sẻ với SCMP, một số nguồn tin cho biết nhiều doanh nghiệp quốc doanh như ngân hàng, dầu mỏ và bán dẫn đã tham khảo ý kiến về việc có nên tiếp tục duy trì giao thương với Nga hay không. Miễn sao Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, những biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với quốc gia này là vấn đề không tồn tại.
Trung Quốc vẫn cần SWIFT
Sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, nhiều người coi hệ thống nhắn tin quốc tế SWIFT là cách tốt nhất để tác động lên Nga và cô lập nước này khỏi nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, việc trục xuất các ngân hàng khỏi SWIFT có thiên hướng như một đòn trừng phạt thỏa hiệp khi loại trừ hoạt động thương mại năng lượng của Nga.
“Hệ thống thanh toán quốc tế tương tự chuỗi cung ứng. Phương Tây không thể loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế trừ khi sẵn sàng cắt quốc gia này khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc trong trường hợp này là cung cấp năng lượng cho châu Âu”, Shahin Vallee, người đứng đầu Chương trình Địa kinh tế thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nhận định.
Về phía Trung Quốc, sức mạnh lớn nhất của quốc gia này nằm ở việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này càng gia tăng thêm mối lo ngại với Mỹ. Nếu các động thái chống lại Nga được áp dụng với Trung Quốc, không ngoại trừ khả năng đồng minh của Mỹ sẽ từ chối làm theo.
Bên cạnh đó, với mối quan hệ kinh tế - thương mại quá gần gũi với Trung Quốc, châu Âu sẽ tỏ ra miễn cưỡng nếu phải áp đặt lệnh trừng phạt.
Dẫu vậy, Bắc kinh vẫn phải làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo không bị loại khỏi SWIFT. Xét về vị thế quốc tế, đồng nhân dân tệ vẫn còn cả một chặng đường dài để sánh ngang bằng với USD. Dù sở hữu hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) riêng, Trung Quốc vẫn dựa vào SWIFT để nhắn tin xuyên biên giới.
Quả bom tài chính
Bắc Kinh cũng cần chú ý đến kho dự trữ ngoại tệ, hầu hết là USD, ở nước ngoài. Kể từ năm 2020, tổng giá trị dự trữ của Trung Quốc đạt 3.200 tỷ USD, cao gấp đôi so với nước xếp sau là Nhật Bản.
Một số tin đồn cho rằng Trung Quốc đang cắt bớt lượng dự trữ khổng lồ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều này không khả thi. Bất cứ sự thay đổi đột ngột nào về khối lượng cũng có thể gây ra hậu quả thảm khốc trên thị trường toàn cầu.
Theo Yongli, kho dự trữ này là “quả bom hạt nhân tài chính” và cần được sử dụng đúng cách. Để giảm bớt tỷ trọng dự trữ USD, Trung Quốc có thể đẩy mạnh mua vàng hoặc ngoại hối khác. Nhìn chung, Trung Quốc nên tránh sử dụng đây là vũ khí đối đầu với Mỹ.
Trên thực tế, Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa tài sản dự trữ ngoại hối trong suốt hai thập kỷ qua.
Năm 1995, tỷ lệ tài sản dự trữ bằng USD của Trung Quốc đạt 79%, áp đảo mức trung bình quốc tế là 59%. Từ năm 2014-2016, tỷ trọng đã giảm xuống dưới 60%, dưới mức trung bình quốc tế là hơn 65%.
Theo các cố vấn chính phủ Trung Quốc, một biện pháp đối phó mà nước này có thể áp dụng là mở rộng sự mở cửa kinh tế và tài chính với thế giới, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều tài sản của Trung Quốc hơn.