Điều hành chính sách tài khóa thành công, đưa nền kinh tế vượt khó
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng mạnh từ những biến động bên ngoài cộng với những áp lực từ bên trong. Do đó, việc triển khai thành công các chính sách tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đã góp phần quyết định thực hiện mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Linh hoạt chính sách tài khóa ổn định vĩ mô
Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô của thời gian qua đã giúp tăng sức "đề kháng" với những "cú sốc" bên ngoài, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ vững chắc.
Nhắc đến những thành công trong điều hành chính sách tài khóa những năm qua, không thể không nhắc đến nỗ lực điều hành của Bộ Tài chính, trong khó khăn vẫn chèo lái “con thuyền” ngân sách đạt kết quả tích cực, gặt hái thành quả. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt cao so với dự toán.
Như thời điểm năm 2022, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; các cân đối lớn được đảm bảo, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% so với dự toán và tăng 8,1% so với năm trước; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Năm 2022 tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính ước tính trong 4 năm qua (2020-2023) số tiền thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng, là số tiền rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Việc thực hiện các chính sách nêu trên, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.
Cùng với thu, chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm. Chi đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Năm 2022, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán và tăng 8,1% so với năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Triển khai gói phục hồi kinh tế, với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số.
Nợ công được kiểm soát tốt
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 mới đây đã đánh giá việc kiểm soát tốt nợ công. Quản lý nợ chính phủ, nợ nước ngoài là một trong những điểm sáng. Cơ cấu nợ ngày càng bền vững và trả nợ đúng hạn, không những giúp ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn giúp Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
Nợ công tương đương 37,4% GDP
Tính đến hết năm 2022, nợ công tương đương 37,4% GDP. Còn nợ nước ngoài là khoảng 36,1% GDP. Không chỉ thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy định, mà các số nợ này đều đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Đây là một trong những điểm sáng trong quản lý ngân sách, cũng như quản lý vay nợ công của Việt Nam.
Nợ công của Việt Nam hiện đã giảm xuống chỉ còn 37,4 % GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng Quốc hội đề ra. Các khoản vay nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Cơ cấu nợ công cũng ngày càng bền vững khi tỷ lệ vay trong nước ngày càng cao nên ít chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua đã cơ cấu lại nợ công, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Trên thực tế, đã khuyến khích các doanh nghiệp vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài, quỹ tài chính nước ngoài, ngân hàng nước ngoài; hạn chế đến mức thấp việc Nhà nước đứng ra bảo lãnh. Hiện nay, chỉ vay những khoản vay có hiệu quả kinh tế cao, thời gian trả nợ dài, lãi suất tiền vay thấp nhất. Như vậy vay nước ngoài sẽ giảm dần, tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ để huy động trong nước và thời gian huy động dài từ 10 - 15 năm.
Chính vì các nỗ lực trong điều hành của Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam vẫn được 2 tổ chức tín nhiệm quốc tế là Moody's và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính mang lại điều này là nhờ thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt việc quản lý nợ công theo hướng giảm dần.
Lựa chọn chính sách tài khóa làm trụ cột thực hiện "mục tiêu kép"
Theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, tỷ lệ nợ công trên GDP hiện nay vào khoảng 37%, trong khi mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam tự đề ra là khoảng 60%. Do đó, vẫn còn dư địa tài chính lớn để Chính phủ triển khai, thông qua việc vay thêm và chi tiêu vào đầu tư công. “Trong bối cảnh, còn nhiều dư địa tài chính khi xét theo tỷ lệ nợ công thì chúng tôi thấy đây là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy các chương trình nghị sự nhằm chi tiêu cho hạ tầng và lĩnh vực xã hội, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và cắt giảm thuế giá trị gia tăng” - ông Shantanu Chakraborty nhận định.
Không chỉ giảm về tỷ lệ so với GDP, mà nợ vay nước ngoài của Việt Nam cũng đang giảm cả về số tuyệt đối. Cụ thể, từ mức đỉnh 1.136 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 đã giảm xuống gần 975.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái, giảm trên 160.000 tỷ đồng.
Dự báo tình hình thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn kiên định điều hành chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng, cần tiếp tục lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên chính sách tài khóa linh hoạt. Tình hình kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong điều kiện vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, tỷ lệ nợ công đang ở mức khả quan, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách tài khóa làm vai trò trụ cột để thực hiện "mục tiêu kép"- vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lựa chọn hợp lý do chính sách tài khóa thường ít gây áp lực cho lạm phát hơn và có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ.
Về cơ bản, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; từng bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa để đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn.
Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kịp thời giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ khó khăn; hạn chế tốc độ sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gia tăng khả năng hồi phục của nền kinh tế.