Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những yếu tố ổn định vĩ mô trong nước (lạm phát, tỷ giá, lãi suất) vẫn sẽ được bảo đảm sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, thị trường ngoại hối sẽ có diễn biến thuận lợi hơn do áp lực tỷ giá được giảm bớt. Tuy nhiên, để góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kinh tế thế giới quý I-2025 tiếp tục phục hồi chậm do nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Đặc biệt, chính sách thuế của Tổng thống Mỹ và sự đáp trả của các nước tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất toàn cầu, dòng vốn đầu tư, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước, khu vực. Trong khi đó, các căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông... vẫn kéo dài; khu vực châu Âu vẫn tăng trưởng thấp; thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu vẫn khó lường...

Trong nước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ Đảng, Nhà nước đẩy mạnh đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy; chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô. Tăng trưởng GDP quý I-2025 tăng 6,93% so với cùng kỳ là mức tăng quý I cao nhất trong vòng 6 năm qua; thu ngân sách nhà nước duy trì đà tăng...

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do rủi ro, thách thức từ bên ngoài (đặc biệt là “cú sốc” thuế quan của Mỹ), doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi chưa vững chắc; áp lực nợ xấu tăng (dù trong tầm kiểm soát), thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chưa vững chắc, tình trạng lãng phí chậm khắc phục.

Ông Ngô Sỹ Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài đánh giá, để tháo gỡ khó khăn từ ảnh hưởng rào cản thuế quan của Mỹ thì các doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu tới các khu vực khác như: Châu Phi, châu Âu... Tránh tập trung vào một thị trường xuất khẩu bởi khi có biến động về chính sách thuế thì các doanh nghiệp nước ta sẽ bị ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp

Để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ và chủ động hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đó, chính sách tiền tệ được định hướng điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Chính phủ, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các động lực tăng trưởng chính; triển khai các gói tín dụng ưu đãi...

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về lãi suất, sau khi một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, NHNN Việt Nam đã tổ chức cuộc họp và sau đó các ngân hàng điều chỉnh giảm. Mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. NHNN Việt Nam sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp phù hợp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất.

Các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất huy động đang trên đà giảm qua việc 25 ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất với mức giảm 0,1%-1,05% đối với nhiều kỳ hạn. Đối với nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, trung bình lãi suất kỳ hạn ngắn đã giảm khoảng 0,07% so với cuối tháng 2-2025, trong khi trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%. Qua việc này đã tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm, giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định

Các chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự đoán, trong 90 ngày hoãn thuế, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. Nếu Việt Nam chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc thì sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới. Theo đó, VCBS kỳ vọng thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn.

VCBS duy trì quan điểm chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng bảo đảm các yếu tố ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong khi đó, bên cạnh các động thái đàm phán đã và đang được thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng cố nội lực tăng trưởng trong nước, được kể đến như: Đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ. Các chuyên gia VCBS dự báo lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Về dự báo lạm phát năm 2025, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, áp lực lạm phát có thể gia tăng mạnh hơn trong quý II-2025 và 6 tháng đầu năm do cả yếu tố chi phí đẩy (giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn do thuế quan của Mỹ, tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý) và yếu tố cầu kéo. Lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát nhờ đà hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu (dù nhiều áp lực gia tăng/giảm chậm hơn dự kiến), nguồn cung hàng hóa-dịch vụ thiết yếu trong nước được bảo đảm; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiến nghị, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường vàng, bảo đảm an sinh xã hội. Khuyến khích các tổ chức tài chính đa dạng hóa sản phẩm-dịch vụ, chi phí hợp lý, phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp; phát triển thị trường vốn, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, kiểm soát rủi ro hệ thống; có lộ trình phù hợp khi tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; luôn bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chú trọng đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng vốn cho các tổ chức tín dụng Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng cao, phát triển bền vững, giảm rủi ro, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-chu-dong-linh-hoat-823806