Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính bảo đảm điều hành giá xăng dầu sát thị trường thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bảo đảm cân đối cung, cầu mặt hàng xăng dầu

Ngày 23/3, tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, để bảo đảm cân đối cung, cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới. Ảnh: Hải Anh.

Đề cập đến việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, để điều hành giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, Bộ Công thương đã chỉ đạo các công ty xăng dầu đầu mối có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng trong mọi tình huống.

Theo ông Trần Duy Đông, ngay từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình địa chính trị, cũng như nguồn cung xăng dầu trên thế giới có khả năng bị gián đoạn. Vì vậy, Bộ Công thương đã chỉ đạo tăng nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt của nguồn cung trong nước. Đồng thời với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công thương đã bàn bạc kỹ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhằm khắc phục sự cố tài chính để làm sao tuy có gián đoạn, nhưng không ảnh hưởng quá lớn.

Liên quan đến điều tiết cung cầu, ông Trần Duy Đông cho biết thêm, Bộ Công thương đã nắm được việc thiếu nguồn cung cục bộ do Nghi Sơn cung cấp cho một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và hệ thống phụ thuộc vào Nghi Sơn nên bị ảnh hưởng để có sự điều tiết từ địa bàn này sang địa bàn khác để hàng cung cấp ra thị trường luôn đủ, đảm bảo nhu cầu, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Sử dụng nhiều giải pháp linh hoạt

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề: “Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu” diễn ra chiều ngày 23/3, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, bám sát giá thị trường thế giới, sử dụng nhiều giải pháp linh hoạt về năng lượng giảm phụ thuộc quá vào xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh phân tích, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi, giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu.

"Để giảm phụ thuộc vào xăng, cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo để giảm bớt sử dụng xăng dầu"- TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đề cập đến điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông cho biết, liên Bộ Công thương - Tài chính luôn điều hành bám sát giá xăng dầu thế giới, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá làm sao hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Luật Giá quy định xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Bình ổn cần có thời gian, giữ trong một giai đoạn để thị trường ổn định, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát CPI, trước đây là từ 35 ngày xuống 30 ngày và 15 ngày, nay đã xuống 10 ngày theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Về thời gian điều hành giá, ông Trần Duy Đông cho biết, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã có cơ chế, khi giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế xã hội, Liên Bộ Công thương - Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét thời điểm điều hành phù hợp. Về lâu dài, phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơn với môi trường. Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch..../.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-gia-xang-dau-bam-sat-gia-thi-truong-the-gioi-102332.html