Điều hành thị trường xăng dầu: không thể thả nổi hoàn toàn

Việc để DN tự điều chỉnh giá xăng, dầu là điều kiện để hình thành thị trường cạnh tranh theo hướng thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần có mức giá trần và Nhà nước phải có vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Lo ngại “bình mới, rượu cũ”

Theo cơ chế mới được đề xuất tại Dự thảo Nghị định, DN được quyết định giá xăng dầu, nhưng không cao hơn mức trần. Mức trần này được tính theo nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế.

Như vậy, theo cơ chế được đề xuất, cơ quan Nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi DN tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan Nhà nước công bố giá trần.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Trong văn bản góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương mới đây, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Cụ thể, công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. “Nếu theo phương án này, đại đa số DN vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với DN khác. Có nghĩa là, cơ chế mới này không có khác biệt tren thực tế so với hiện hành” – văn bản VCCI nhận định.

Dự thảo còn bổ sung quy định DN phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan Nhà nước. Theo VCCI, trong trường hợp đại đa số các DN bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều DN lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm rủi ro hành chính. Mỗi DN phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan Nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới.

Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc 2 phương án, một là cho phép DN tự quyết định giá bán, không có giá trần, đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch để người tiêu dùng lựa chọn.

Phương án 1, cho phép DN tự quyết định giá bán, nghĩa là không có giá trần. Đi kèm với phương án 1, VCCI đề nghị các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn. Đó là niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng. Hoặc thực hiện kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể so sánh giữa các cây xăng một cách trực tuyến.

Trong phương án 2, VCCI đề nghị bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi DN bán hàng đúng bằng giá trần, khi áp dụng cơ chế như trong Dự thảo.

Chia sẻ về nút thắt trong kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Bùi Ngọc Bảo cho rằng, các Nghị định kinh doanh xăng dầu thời gian qua vẫn là các cơ chế điều hành mang tính hành chính, đặc biệt là về giá. Nếu đưa mặt hàng xăng dầu sang cơ chế thị trường, giá cả do thị trường quyết định và DN đầu mối tự quyết định giá sẽ là bước ngoặt giúp ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu khi giá bán lẻ bù đắp được đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Cân nhắc bỏ mức giá trần

Hiện thị trường xăng dầu được điều hành trên 3 công cụ chủ yếu, gồm: giá cơ sở, công cụ thuế và quỹ bình ổn giá. Với các công cụ trên, việc điều hành thị trường xăng dầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, từ đó để cho các DN tự do xác định giá để có tính cạnh tranh.

Nhà nước sẽ có công cụ để điều tiết nếu DN bán với giá phi thị trường hay liên kết với nhau để bán với giá cao. Chúng ta có thể dùng công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập để điều tiết, buộc DN phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá. “Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn mà phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, phải có nguồn lực dự trữ Quốc gia, phải có thị trường để làm sao mọi người có thể tham gia giao dịch tốt” - ông Cường góp ý.

Còn theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc để DN tự tính toán giá xăng dầu là cần thiết và phù hợp quy luật thị trường. Tuy nhiên, không thể thả nổi, vì thế phải có mức giá trần xăng dầu. Trên thực tế, không có quốc gia nào không quan tâm quản lý xăng dầu. Mỗi quốc gia đều có biện pháp, cách thức can thiệp và quản lý vào thị trường xăng dầu khi cần thiết. Việc áp mức giá trần để tránh tình trạng DN đẩy giá xăng tăng sốc. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Phía DN cũng cần báo cáo định kỳ, để đảm bảo tính cạnh tranh.

Ở góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Bảo Ngọc kiến nghị, với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Ngoài ra, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dieu-hanh-thi-truong-xang-dau-khong-the-tha-noi-hoan-toan.html