'Diều Hâu Đen' Mỹ bất lực nhìn Nga trục vớt xác MQ-9 Reaper
Ngay sau khi chiếc MQ-9A Reaper bị rơi, Mỹ đã điều trực thăng UH-60M Black Hawk và P-8A Poseidon đến Biển Đen nhưng không dám tiếp cận hiện trường.
Hôm 14/3, một chiếc máy bay không người lái trinh sát-tấn công (UCAV) MQ-9A Reaper của Mỹ đã bị rơi xuống Biển Đen sau sự cố chạm mặt với tiêm kích đa năng Su-27 Flanker của Nga.
Phía Mỹ cáo buộc hai tiêm kích Su-27 Nga đã tiếp cận, bay cắt mặt và xả nhiên liệu vào chiếc UCAV Mỹ trên vùng biển quốc tế.
Một chiếc Flanker được cho là đã va vào cánh quạt máy bay không người lái này làm nó bị hư hại, buộc trung tâm điều khiển phải lao máy bay xuống biển.
Giới chức Moscow phủ nhận mọi cáo buộc và tuyên bố rằng, các máy bay Su-27 không va chạm với máy bay không người lái, không làm điều gì ảnh hưởng tới chiếc UCAV Mỹ, không sử dụng vũ khí không đối không. Nga cho rằng phi cơ Mỹ cơ động ngoặt gấp và tự rơi sau khi mất lái.
Ngay sau sự cố, trực thăng vận tải UH-60M “Black Hawk” (Diều Hâu Đen) và máy bay trinh sát chống ngầm Boeing P-8A “Poseidon” (Hải thần) của Mỹ đã được Lầu Năm Góc điều động từ các sân bay ở châu Âu để không phận Biển Đen.
Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên đã hướng đến địa điểm MQ-9 gặp nạn, nhưng sau đó không chiếc nào dám rời khỏi không phận Romania, để tiếp cận hiện trường chiếc MQ-9A bị rơi.
Vào ngày hôm sau, Mỹ cũng điều thêm hai chiếc UH-60M “Black Hawk” nữa bay tuần tra bờ Biển Đen thuộc lãnh hải của Romania, nhưng hai con “Diều Hâu Đen” cũng không dám vượt ra ngoài không phận nước này, trong bối cảnh các máy bay và tàu chiến Nga đang hiện diện ở khu vực chiếc MQ-9 bị rơi.
Hôm 17/3, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã thừa nhận trong cuộc họp báo rằng, Nga đã vớt được một số mảnh thân vỏ của máy bay tấn công không người lái MQ-9A Reaper, nhưng những mảnh vỏ trôi nổi trên mặt biển chỉ là cánh điều khiển làm bằng sợi thủy tinh, không mang lại lợi ích nào về công nghệ cho Moscow.
Vị quan chức Mỹ vẫn khẳng định, ngay sau khi chiếc Reaper rơi, Lầu Năm Góc đã áp dụng biện pháp an ninh cần thiết để ngăn chặn dữ liệu tình báo nhạy cảm và công nghệ tối tân rơi vào tay Moscow. Ông cũng không loại trừ khả năng lực lượng đặc biệt sẽ phá hủy chiếc MQ-9A trước khi nó bị lực lượng Nga đưa lên mặt biển.
Bất chấp tuyên bố về biện pháp an ninh cần thiết của Mỹ, tờ Lenta.ru của Nga dẫn nguồn tin quân sự tại Crimea khẳng định, lực lượng hải quân Nga đã triển khai các tàu lặn và phát hiện xác chiếc MQ-9A ở độ sâu 850-900m, ở vùng biển cách thành phố Sevastopol 60km.
Nhiều tàu chiến, máy bay Nga đã được triển khai quanh hiện trường chiếc MQ-9A rơi để phong tỏa khu vực này, trong khi các chuyên gia Nga xây dựng kế hoạch trục vớt chiếc MQ-9A. Hiện nay, Moscow được cho là rất quan tâm đến động cơ và hệ thống điện tử của chiếc Reaper.