Điều hòa bền hay không do cách lắp
Đa phần chúng ta không tự lắp được máy điều hòa mà phải nhờ đến thợ. Việc giám sát thợ lắp đặt đúng cách sẽ giúp điều hòa bền, tiết kiệm điện, tăng hiệu suất sử dụng.
Chú ý về vật tư
Chất lượng máy điều hòa, độ bền sử dụng lâu dài của điều hòa cũng phụ thuộc vào việc lắp đặt. Hiện nay, các siêu thị cung cấp máy có thể khuyến mãi về lắp đặt hoặc có những thợ lấy tiền lắp đặt, công và vật tư rất rẻ. Vấn đề giá cả liên quan tương ứng đến chất lượng lắp đặt.
Thường lắp đặt xong máy bao giờ cũng chạy và có lạnh, nhưng người tiêu dùng không thể đánh giá được lượng lạnh có đủ theo công suất của máy không và ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của máy như thế nào. Một máy điều hòa thường được sử dụng trên 10 năm và không dễ dàng xác nhận chất lượng làm việc thực của máy.
Về vật tư lắp đặt thường có 2 loại chính: Ống dẫn môi chất và cách nhiệt. Để giảm giá thành thợ có thể sử dụng ống nhôm. Nên biết ống nhôm không được khuyến khích dùng trong hệ thống lạnh. Do đó, các gia đình không nên đồng ý cho thợ lắp ống nhôm. Còn về ống đồng, có rất nhiều hãng khác nhau.
Đối với con mắt bình thường phân biệt loại ống tốt và xấu cũng khó, tốt nhất hỏi thợ ống của hãng nào và tra mạng xem hãng có thương hiệu không. Chiều dày của ống đồng là một chỉ tiêu rất quan trọng. Nhiều thợ thường ăn bớt chiều dày để giảm giá thành. Tùy hãng, tùy loại môi chất, và tùy vào năng suất lạnh mà sử dụng kích thước ống khác nhau và chiều dày ống khác nhau.
Mỗi máy điều hòa đều có hai đường ống: Đường ống hơi và đường ống lỏng. Tùy năng suất máy, hãng sẽ quy định đường kính của 2 loại ống đó. Kiểm tra xem thợ có lắp đúng đường kính ống mà hãng quy định không (xem trong catolog của sản phẩm).
Lắp ống lớn hơn hoặc bé hơn đều không tốt. Đặc biệt phải kiểm tra cả độ dày của ống. Thông thường các gia đình không quan tâm đến vấn đề này. Chiều dày ảnh hưởng đến chất lượng lâu dài của máy. Chiều dày phải đủ đúng như quy định của hãng, đặc biệt ga R410A ống phải dày hơn ga R22. Chiều dày ống phụ thuộc vào đường kính.
Vật liệu cách nhiệt thông thường là superlong màu đen dạng ống tròn. Thông thường ống tốt là loại có chữ của hãng sản xuất dọc theo ống. Đặc biệt ống cách nhiệt phải đủ chiều dày, thông thường là 8mm. Thợ có thể sử dụng ống mỏng hơn để giảm giá thành. Ống mỏng sẽ làm tổn thất lạnh nhiều hơn và cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy.
Lắp đặt đúng cách
Lắp đặt giàn nóng phải hết sức chắc chắn, giá đỡ phải gắn vào tường bằng vít nở đủ đường kính. Tránh lắp giàn nóng vào hướng tây. Giàn lạnh nên đặt cao so với đất khoảng 1,8m. Đường ống dẫn nước ngưng phải có độ nghiêng nhất định hướng ra phía ngoài để nước ngưng thoát ra dễ dàng. Tấm treo giàn lạnh cũng phải gắn chỗ nào chắc chắn ở trên tường
Hệ thống ống dẫn môi chất, ống dẫn có thể lắp mặt trái, bên phải giàn lạnh phù hợp với vị trí lắp giàn nóng. Luồn ống qua lỗ ở tường và bắt ống vào giàn nóng và giàn lạnh một cách chắc chắn. Chú ý đặc biệt là trước khi loe, đầu ống phải phẳng, loe phải đều.
Xiết đầu loe vào giàn nóng, giàn lạnh với lực vừa phải bảo đảm kín và không làm hỏng đầu loe. Đặc biệt yêu cầu thợ tuyệt đối không để cho bụi bẩn vào trong ống vì có bất cứ hạt bụi nào vào trong ống đều làm hỏng máy nén của máy lạnh.
Sau khi lắp đặt xong phải theo dõi thợ làm động tác sau: Thông thường để máy làm việc tốt nhất thì phải dùng máy hút chân không để hút các khí trong đường ống ra ngoài, độ chân không càng cao càng tốt hay hút càng kiệt không khí càng tốt.
Hiện nay, một số thợ không hút chân không mà dùng môi chất trong máy để đẩy không khí ra ngoài. Phương pháp này đơn giản nhưng không thể đẩy hết không khí ra ngoài được. Do đó, chúng ta phải xem thợ thực hiện thời gian đẩy không khí là bao nhiêu, nếu đẩy nhiều không khí tức là mất một lượng ga trong máy. Khi đó cần có thể phải bổ sung thêm ga vào máy.
Để kiểm tra mức độ lạnh của máy thì đơn giản cho gió thổi trực tiếp vào người hoặc theo dõi sau khoảng 30 phút mà lạnh đều được trong phòng thì có thể coi như quá trình lắp đặt đạt yêu cầu… Người sử dụng cần yêu cầu thợ hướng dẫn kỹ cách sử dụng các nút điều chỉnh trên mặt điều khiển vì thực tế nhiều người bấm nhầm và có lúc có hại cho máy.
Nên yêu cầu thợ thử tất cả các nút trên mặt điều khiển như chỉnh nhiệt độ lên xuống, chỉnh góc quay, tốc độ của quạt xem có hoạt động bình thường không. Để kết luận một máy lắp có ổn định không nên theo dõi trong vòng 6 - 12 tiếng.
Chọn mua máy điều hòa như thế nào
Đối với mỗi gia đình, đầu tư lắp máy điều hòa là một bài toán phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thứ nhất, máy điều hòa cũng tiêu tốn một lượng tiền nhất định. Thứ hai, khi lắp máy điều hòa xong không dễ dàng thay thế hoặc lắp đặt máy điều hòa khác.
Do đó, việc chọn máy điều hòa hợp lý để lắp đặt cho gia đình là điều hết sức cần thiết.Việc đầu tiên, chọn năng suất lạnh của máy phải phù hợp với diện tích phòng. Về mặt lý thuyết, khi thiết kế người ta dựa vào diện tích phòng, lượng nhiệt phát ra trong phòng, phòng tiếp xúc với môi trường bên ngoài có nhiệt độ như thế nào…
Tuy nhiên, đối với gia đình chúng ta chọn theo kinh nghiệm như sau: Phòng từ 15 - 20 m2 nên chọn máy 9.000 – 12.000 Btu/h. Phòng từ 20 – 30 m2 nên chọn máy từ 12.000 – 18.000 Btu/h. Phòng từ 30 – 40 m2, chọn máy 18.000 - 24.000 Btu/h. Phòng 40 – 50 m2, chọn máy từ 24.000 – 28.000Btu/h
Máy một chiều là máy chỉ làm lạnh về mùa hè. Còn máy 2 chiều tức là máy làm lạnh mùa hè và mùa đông sẽ sưởi ấm. Ở các tỉnh phía Nam, mùa đông không lạnh nên chỉ chọn máy 1 chiều. Các tỉnh phía Bắc, có thể chọn máy 2 chiều.
Về nguyên lý, máy điều hòa biến tần là máy điều hòa tiết kiệm điện năng tiêu thụ nhưng nên hiểu một cách chính xác không phải tiết kiệm trong mọi tình huống.
Những gia đình chỉ dùng điều hòa trong thời gian ngắn thì không cần thiết phải dùng máy biến tần vì đầu tư sẽ tốn kém hơn. Còn nói chung khi có điều kiện thì chúng ta nên lắp máy biến tần vì nó vừa tiết kiệm điện vừa đỡ tiếng ồn hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/dieu-hoa-ben-hay-khong-do-cach-lap-qcrl6UAMR.html