Điều hòa làm mát không khí nhưng sẽ khiến Trái Đất nóng hơn

Khi nhiệt độ tăng cao như một kết quả của biến đối khí hậu, nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trở nên tất yếu đối với người dân ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sản phẩm làm mát này lại đem đến tác hại cho môi trường.

Nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trên toàn thế giới đang gia tăng cùng với sự cải thiện trong thu nhập của người dân và sự khắc nghiệt của các đợt nắng nóng. Ảnh: Getty Images

Nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trên toàn thế giới đang gia tăng cùng với sự cải thiện trong thu nhập của người dân và sự khắc nghiệt của các đợt nắng nóng. Ảnh: Getty Images

Mùa hè tại Ấn Độ luôn nóng bức và có những lúc khắc nghiệt tới nỗi thách thức giới hạn sinh tồn của con người. Khi nhiệt độ tăng cao trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới trong những tuần gần đây, hàng chục người đã chết do nhiệt độ cao trong khi hàng nghìn bệnh viện chật kín những người tới do say nắng và các trường học phải đóng cửa.

Vào năm 2022, quốc gia này ghi nhận một số tuần nóng nhất kể từ năm 1901 trong khi những đợt nắng nóng gay gắt đẩy nhiệt độ lên tới 50 độ C ở một số nơi. Cách khắc phục hiệu quả nhất chính là sử dụng điều hòa không khí. Theo một ước tính được NY Times trích dẫn, thế giới sẽ có thêm 1 tỷ chiếc điều hòa không khí trước khi thập kỷ này kết thúc, nâng giá trị thị trường này lên gần gấp đôi trước năm 2040.

Nguyên nhân cho sự bùng nổ sản phẩm này tới từ thu nhập gia tăng ở những thị trường đông dân cư như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Thu nhập hộ gia đình hàng năm tại các quốc gia đông dân trên đã vượt mức 10.000 USD, trong khi tại Ấn Độ GDP bình quân đầu người – được điều chỉnh theo sức mua – cũng sẽ lần đầu tiên đạt mức 9.000 USD trong năm 2023.

Ngoài ra, việc mua điều hòa không khí còn có những tác động đáng kể lên sức khỏe, hạnh phúc và tăng trưởng kinh tế. Thông thường, người dân ở các quốc gia ghi nhận nhiệt độ cao và thu nhập thấp thường có chất lượng giấc ngủ kém hơn và khả năng nhận thức suy giảm, từ đó dẫn tới năng suất và sản lượng lao động giảm.

Theo kết quả nghiên cứu của ông E. Somanathan – giáo sư kinh tế tại ISI Delhi - sự suy giảm năng suất do nắng nóng trong 30 năm qua tại Ấn Độ có thể tương đương với khoảng 1% GDP của quốc gia này, tức 32 tỷ USD.

Điều hòa làm mát không khí nhưng cũng gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường và dẫn tới biến đổi không khí trầm trọng hơn. Ảnh: Getty Images

Điều hòa làm mát không khí nhưng cũng gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường và dẫn tới biến đổi không khí trầm trọng hơn. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao cũng gây ra các tác động tới môi trường sống, ví dụ như tác động từ các chất làm mát. Trên thị trường hiện tại, một trong những chất làm mát phổ biến nhất chính là hydrofluorocarbons (HFC) – chất có khả năng làm nóng gấp 1.000 lần so với carbon dioxide. Theo NY Times, nếu thế giới không cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào HFC, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này, góp phần vào sự gia tăng biến đổi khí hậu dẫn tới càng nhiều đợt nắng nóng và hạn hán hơn.

Năm 2016, hơn 170 quốc gia đã đồng ý việc loại bỏ dần HFC bắt đầu từ năm 2019. Việc này khiến các công ty bắt đầu quá trình tìm kiếm các chất làm mát thay thế thân thiện với môi trường hơn. Dù vậy, các chất thay thế này vẫn rất đắt đỏ và chúng gây ra sự phản đối ngay cả ở các quốc gia giàu có.

Ngoài vấn đề về chất làm mát, vấn đề tới từ nhu cầu sử dụng điều hòa không khí gia tăng còn nằm ở hiệu quả sử dụng năng lượng của sản phẩm. Tại hầu hết các quốc gia nơi nhu cầu tăng nhanh, điện vẫn được sản xuất chủ yếu từ than trong khi nhiều người chỉ có thể mua các sản phẩm điều hòa giá rẻ không có hiệu quả trong sử dụng năng lượng.

Cảnh báo về tình trạng này, ông Abhas Jha, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Singapore, cho biết nếu các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng không được cải thiện thì “hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dieu-hoa-lam-mat-khong-khi-nhung-se-khien-trai-dat-nong-hon-post21770.html