Điều ít biết bất ngờ về chàng Cân 'xấu nhất hội' trong Cô gái nhà người ta
Với tạo hình 'xấu nhất hội' trong nhóm thanh niên ở làng Đông, nhưng anh chàng Cân lại là một trong những nhân vật được khán giả yêu mến nhất bởi tính cách tưng tửng, hài hước được tạo nên từ lối diễn tự nhiên, chân thật của nam diễn viên trẻ Việt Bắc.
Nếu được làm lại, còn diễn “máu” hơn
Chào Việt Bắc, anh có buồn không khi người ta bảo anh “xấu trai” nhất làng Đông?
Không hề! Tôi biết mình không ăn hình thôi, vì khi mọi người gặp tôi ở ngoài đời đều ngạc nhiên về độ đẹp trai (cười). Tôi cho rằng, mỗi một khuôn mặt sẽ hợp với một vai diễn khác nhau. Miễn là mình diễn thành công và luôn tin rằng dù diễn vai nào đi nữa thì bản chất mình vẫn luôn đẹp trai (cười).
Được biết, Việt Bắc không phải là lựa chọn đầu tiên cho vai Cân. Anh có chạnh lòng hay áp lực?
Ban đầu đoàn làm phim định chọn diễn viên Trung Ruồi cho vai Cân, nên tôi cũng khá bất ngờ khi anh tổ chức sản xuất gọi tôi lên. Lâu rồi không làm phim truyền hình, với một e kip chuyên nghiệp, nhiều diễn viên giỏi tôi cũng lo lắm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong và các đồng nghiệp trong đoàn làm phim “Cô gái nhà người ta”.
Đây cũng là vai diễn đánh dấu sự trở lại của Việt Bắc với phim truyền hình, kể từ vai diễn Xuân Tóc Đỏ trong phim “Trò đời” cách đây 5 năm. Hẳn anh gặp không ít khó khăn?
Lâu nay tôi không làm phim truyền hình, chỉ đóng sitcom hài. Điều này cũng ít nhiều “phá” đi chất diễn nhẹ nhàng của phim truyền hình. Vì thế, khi nhận vai trong “Cô gái nhà người ta”, tôi cũng run lắm. Khi phim phát sóng, tôi hồi hộp chờ phản ứng của khán giả qua từng tập.
Tôi và hai bạn diễn Đình Tú, Quang Trọng xuất phát từ ba nơi khác nhau, nhưng cuộc sống của chúng tôi đều không quá khó khăn như các nhân vật trong phim. Khi vào vai các thanh niên thôn, tôi cũng phải có sự đầu tư chuẩn bị cẩn thận, đọc kịch bản kĩ càng.
Trước khi đoàn lên đường đi quay, ba anh em đã có bữa tụ tập trao đổi, nói chuyện về vai diễn và chia sẻ cho nhau về bản thân. Qua đó, chúng tôi hiểu nhau hơn, có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn trên phim trường.
Đạo diễn Trịnh Lê Phong là người góp ý, chỉ bảo cho tôi rất nhiều, phân tích cặn kẽ với tôi về tâm lí nhân vật trong tình huống, giúp tôi vỡ ra và có cách diễn phù hợp. Tôi đã ghi những lưu ý vào một cuốn sổ nhỏ và nhắc nhở mình để làm tốt hơn cho vai diễn này và nghề nghiệp lâu dài.
Tôi cũng phải mấy lần xin đạo diễn quay lại một số cảnh chưa hài lòng. Có lần, quay xong, tôi đi về và càng nghĩ càng thấy không ổn. Tôi nhắn với anh Phong, xin ngày mai quay lại cảnh đó và sẽ tự bù tiền cho diễn viên quần chúng đóng cùng cảnh. Nói chung vì quen đóng phim hài nên tôi hay bị kiểu xồn xồn. Qua phim này, phải tiết chế từ từ, cân đối cảm xúc. Sau này, đạo diễn Trịnh Lê Phong có nói đùa với tôi rằng “Bắc diễn càng ngày càng hay, nhưng tiếc là phim sắp hết rồi”!
Có sự đồng điệu nào trong tính cách giữa Cân và Việt Bắc?
Cân thích chính nghĩa, là người có tính tình bỗ bã, toàn thốt lên nhưng câu ối giời ơi, làm được đồng nào tiêu đồng ấy nhưng sẵn sàng hi sinh vì gia đình, vì bạn bè... Vai diễn này có lẽ đạo diễn cũng "đo ni đóng giầy" với tôi vì ngoài đời tôi cũng có chút hài hước, tưng tửng. Tôi yêu vai diễn này, nhưng nếu được làm lại, tôi chắc mình sẽ diễn "máu" hơn nữa.
Đã có lúc khóc vì nhớ nghề
Thời điểm lấy vợ, có con và chuyển hẳn cuộc sống vào Nam, xa rời sân khấu, màn ảnh… đó hẳn là một quyết định không hề dễ dàng của Việt Bắc?
Thời điểm tôi lập gia đình, bố vợ tôi mong muốn tôi dành trọn vẹn cho vợ con và cùng chăm lo kinh doanh với gia đình. Tôi hiểu nguyện vọng tốt đẹp của ông và cũng vì thời điểm đó phim ảnh rất khó khăn, không hỗ trợ kinh tế được nhiều nên tôi quyết định nghỉ nghề diễn viên. Vợ tôi lúc đó đang có bầu, tôi muốn cô ấy hoàn toàn thoải mái tâm lí, giữ gìn sức khỏe. Tất nhiên tôi buồn khi phải rời xa nghề diễn.
Tôi nhớ thầy Phan Trọng Thành- thầy chủ nhiệm của tôi trên trường Sân khấu Điện ảnh đã khóc trong đám cưới của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với gia đình là tôi chỉ tạm dừng. Hai năm đó, tôi sống cùng vợ con ở Rạch Giá, Kiên Giang. Tôi học làm đủ thứ, học nói giọng miền Tây, bán hàng, học làm kính, lắp kính… Nhưng tôi luôn nhớ nghề, nhớ sân khấu, nhớ đồng nghiệp rất nhiều. Đã có lúc tôi khóc.
Vậy khi quyết định trở lại, Việt Bắc có phải đánh đổi điều gì?
Rất may là không! Tôi nhận được sự đồng thuận của gia đình, sự ủng hộ của vợ tôi trong quyết định này. Tôi ra Hà Nội trước, chuẩn bị ổn định nơi ở, công việc rồi mấy tháng sau mới đón vợ con ra. Hiện tại, chúng tôi đã mua nhà ở Long Biên, Hà Nội. Vợ chồng tôi xác định sẽ phấn đấu từ từ, miễn sao cùng nhau cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp. Trong năm 2020, tôi sẽ đẩy mạnh cả kinh doanh và chăm chỉ đóng phim. Hiện tại, tôi đang công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Tôi cũng tập trung cho sân khấu khá nhiều.
So với các diễn viên cùng thế hệ, Việt Bắc có vẻ lận đận hơn trong công việc. Trở lại lần này, anh có tin đó sẽ là con đường dài?
Tôi lặn lội từ miền Trung ra Hà Nội học Sân khấu điện ảnh từ năm 2006, tính đến nay cũng đã 15 năm. So với các bạn đồng lứa như Minh Tít, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi, tôi chậm hơn trong con đường sự nghiệp. Các bạn ấy hoạt động nghề nghiệp sôi nổi và sống được từ nghề. Tôi cũng có nhiều ý tưởng nhưng có vẻ mọi việc chưa được thuận lợi. Tôi phải lo kinh tế rồi mới tập trung cho đam mê, đó cũng là điều bất đắc dĩ. Tôi trở lại Hà Nội được 2 năm nay, cũng có một số cơ hội lớn như đóng một vai nhỏ trong Táo quân 2018, tham gia một số sitcom hài và giờ là một bộ phim truyền hình dài tập. Tôi hi vọng, trong năm 2020, tôi sẽ triển khai được những ý tưởng đã ấp ủ trong thời gian qua.
Cảm ơn Việt Bắc và chúc cho những dự định sẽ thành công!