Hình ảnh nổi bật và thường thấy nhất tại Vatican là các binh sĩ mặc trang phục sặc sỡ sọc cam, xanh da trời đặc trưng thời kỳ trung cổ và đỏ đứng gác.
Tuy nhiên, họ không phải là những "lính cảnh" chỉ phục vụ mục đích lễ nghi, mà trên thực tế là các thành viên đội Cận vệ Thụy Sĩ là những chiến binh thực thụ, lực lượng này đã làm nhiệm vụ bảo vệ Giáo hoàng và Thành Vatican trong suốt hơn 5 thế kỷ qua.
Ai cũng biết Thụy Sĩ hiện nay là một nước rất giàu, có thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất thế giới. Tuy vậy, xưa xứ này là tỉnh Helvetia của La Mã, về sau là một tập hợp mấy bang nghèo nhất châu Âu, lập thành Liên bang Thụy Sĩ vào năm 1291.
Hai dãy núi Alps và Jura chiếm 70% diện tích, đất trồng trọt đã rất ít lại cằn cỗi, dân không đủ ăn phải bỏ tổ quốc đi làm lính đánh thuê cho các nước khác.
Từ thế kỷ 15 trở đi, Thụy Sĩ bắt đầu xuất khẩu có tổ chức lính đánh thuê chuyên nghiệp.
Chủ thuê chuyển tiền cho chính quyền các địa phương phụ trách mộ lính, gia đình người lính chỉ được chia một phần số tiền thù lao đó.
Địa hình núi non hiểm trở rèn luyện người Thụy Sĩ trở nên có tính gan dạ, thiện chiến, kỷ luật nghiêm minh, trở thành lính đánh thuê thiện chiến, được các nước châu Âu ưa thích.
Năm 1505, giám mục người Thụy Sĩ Matthaus Schiner đề xuất thành lập một đội cận vệ hoạt động dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Giáo hoàng La mã.
Ngày 22 tháng 1 năm 1506, Giáo hoàng Julius II đích thân cầu phúc cho một đội quân 150 người Thụy Sĩ đóng tại Vatican và gọi họ là “Người bảo vệ tự do của Tòa Thánh”, từ đó xác lập địa vị của đội vệ binh Thụy Sĩ trong Tòa Thánh.
Họ nhanh chóng chứng minh mình là đội quân tận tụy và không ngại hy sinh để bảo vệ Giáo hoàng và Thành Vatican.
Một trong những trận đánh dữ dội nhất mà đội Cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng từng tham gia là vào ngày 6/5/1527, khi 189 thành viên đơn vị cùng 5.000 dân quân bảo vệ Rome đối đầu với lực lượng Tây Ban Nha lên đến 20.000 người.
147 thành viên Cận vệ Thụy Sĩ thiệt mạng trong trận đánh, 42 người còn lại cố gắng cầm chân đối phương để Giáo hoàng Clement VII đến được nơi an toàn.
Thất bại duy nhất trong lịch sử hoạt động của Cận vệ Thụy Sĩ là trận đánh năm 1798, khi đại quân của Napoleon chiếm được Rome, bắt và trục xuất Giáo hoàng Pius VI. Đội Cận vệ Thụy Sĩ cũng bị giải tán, nhưng sau đó được tái lập.
Khi các đơn vị quân đội của phát xít Đức tiến vào Rome trong Thế chiến II, các binh sĩ Cận vệ Thụy Sĩ chuyển sang mặc quân phục màu xám, lập công sự phòng thủ với đại liên và súng cối.
Đội Cận vệ Thụy Sĩ khi đó sẵn sàng chiến đấu tới cùng để bảo vệ Giáo hoàng, bất chấp đối phương áp đảo quân số. Tuy nhiên, phát xít Đức đã không tấn công vào thành Vatican.
Đội vệ binh Thụy Sĩ hiện nay bao gồm những binh sĩ chuyên nghiệp, được huấn luyện và trang bị để chiến đấu với đối thủ có vũ trang nếu cần.
Toàn bộ thành viên đơn vị phải thề phục vụ Giáo hoàng và người kế nhiệm "một cách trung thực, trung thành và trong danh dự".
Đồng thời những người lính Thụy Sỹ trong Đội vệ binh thề cống hiến hết mình và sẵn sàng hy sinh thân mình để chu toàn nhiệm vụ.
Luật pháp Thụy Sĩ cấm công dân nước họ phục vụ trong quân đội nước ngoài nhưng lại cho phép được tham gia đội vệ binh Thụy Sĩ thành Vatican.
Để được tham dự đội quân vẻ vang có lịch sử lâu đời này cần có đủ mấy điều kiện: là công dân Thụy Sĩ, tín đồ Công giáo, có lý lịch tốt, đã qua đào tạo quân sự, tuổi từ 19 đến 20 (riêng sĩ quan có thể nhiều tuổi hơn), cao ít nhất 1,74 mét, chưa vợ, ít nhất có một bằng tốt nghiệp trường dạy nghề hoặc trung học.
Sau khi gia nhập Cận vệ Thụy Sĩ, các thành viên phải học cách sử dụng kiếm và kích.
Những vệ binh này phải duy trì thể lực tốt, sử dụng thành thạo những loại vũ khí hiện đại như súng ngắn SIG Sauer 9 mm và tiểu liên do hãng Heckler & Koch sản xuất.
Ngoài ra, thành viên Cận vệ Thụy Sĩ phải phát triển kỹ năng cận chiến, di chuyển chiến thuật, an ninh và kỹ năng chống khủng bố.
Giáo hoàng Paul VI vào năm 1970 giải tán toàn bộ đơn vị vũ trang của Vatican, chỉ giữ lại đội Cận vệ Thụy Sĩ, nhằm nhấn mạnh bản chất tôn giáo của Vatican và đơn giản hóa quy trình quản lý tòa thánh.
Trước đây, các thành viên Cận vệ Thụy Sĩ sống độc thân trong thời gian phục vụ. Tuy nhiên, sau một số thay đổi của Giáo hoàng Francis, thành viên Cận vệ Thụy Sĩ có thể kết hôn sau 5 năm phục vụ trong đơn vị.
Quyết định này được cộng đồng hoan nghênh khi sự nghiệp trong Cận vệ Thụy Sĩ không còn quyết định cuộc sống cá nhân của họ.
Giáo hoàng Francis năm 2018 cũng quyết định tăng quân số của Cận vệ Thụy Sĩ từ 110 lên 135 thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Những người sống và làm việc bên trong tường thành của Vatican luôn tin tưởng rằng những thành viên của "đội quân nhỏ nhất thế giới" sẽ tiếp tục bảo vệ Tòa thánh và Giáo hoàng trước mọi mối đe dọa.