Điều ít biết về những con phố sách ở Hà Nội và Sài Gòn - TP.HCM xưa
Trước khi Phố sách 19/2 (Hà Nội) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) ra đời hàng thế kỷ, hai trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước đã từng có những con phố sách.
Những con phố này không chỉ khẳng định truyền thống của những thành phố đã có những con đường sách, mà phản ánh nghề in sách, bán sách, cũng như niềm đam mê sách của người dân khi xưa.
Phố in sách, bán sách ở Hà Nội xưa
Theo nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (sách Phố phường Hà Nội xưa), trong các phố phường của mảnh đất văn vật không có nơi nào mang tên hàng sách. Phố Hàng Gai là nơi in ấn, mua bán sách vở, ai muốn mua dây gai thì lại phải lên phố Bát Đàn.
Ông cũng cho biết, nghề in sách là một trong những nghề mới của Hà Nội. Thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang, nghề này mới được mở mang.
Ngày xưa, có ông cụ Trần Bình, là một nhà in nổi tiếng có nhiều sách nhất xưa kia; cụ coi nghề in sách là nghề cao quý, công việc in là công việc nghiêm cẩn. Nhà cụ lúc nào cũng rước nhiều thầy đồ hay chữ, để soát thật kỹ các bản in, không để sách in ra còn một lỗi nào, dù chỉ là thiếu một nét. Sách nhà cụ in không bao giờ có bản đính chính; sai sót là rất hiếm.
Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy cũng cho biết, tên hiệu các cửa hàng sách thường hay dùng chữ “văn”: Quan Văn, Phú Văn, Tụ Văn Đường… Các hàng sách thường bày biện sách trên các tấm phên thưa đặt trên phản (là các tấm cửa lùa) một đầu đặt ngay bậu cửa, một đầu kê vào một chiếc mễ (đồ dùng để kê đỡ, làm bằng một phiến gỗ dài, hẹp, có chân ở hai đầu).
Đầu thế kỷ 20, do thay đổi nội dung các môn thi cử, bỏ kinh nghĩa, thơ, phú, chuyển sang văn sách, luận, thêm phần chữ quốc ngữ khiến cho một kho đồ sộ bản in những sách này xếp xó, làm củi không nỡ, để thì chật nhà.
Sau thế chiến thứ nhất, Hàng Gai thay đổi mạnh. Người buôn Tây đến ở, các tiệm tạp hóa của ta lác đác mọc lên, hàng kính mũ đến, giá nhà tăng lên, giá thuê cửa hàng đắt đỏ, các hàng sách làm nghề mấy đời, người thì về quê, người sang phố khác…
Khu “đầu não” sách ở Sài Gòn thuở trước
Theo cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (sách Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ), đường Lê Lợi ngày trước là nơi tập trung những nhà sách lớn như Khai Trí (Fahasa ngày nay), Thanh Tuân, Phúc Thành, Vân Hữu, Nguyễn Trung, Vĩnh Bảo...
Những người mê sách ở Sài Gòn xưa muốn tìm sách mới, sách hay, người đọc phải ra tận đến khu “đầu não” này. Còn muốn tìm sách cũ, giá rẻ không nơi nào khác hơn là khu chợ sách cũ - đối diện với nhà sách Khai Trí ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - nằm sau bờ tường sau lưng bộ Công Chánh (Sở Giao thông Công chánh ngày nay) và chấm dứt ở con đường Pasteur.
Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những khu bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách mạng Tháng 8) bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)...
Theo tư liệu, ngang thời gian có hiệp định Genève, các khu bán sách được gọi là cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ.
Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão khoảng trông sang bến ôtô buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con.
Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (gần Nhà thương Sài Gòn) đến đường Pasteur.
Sau năm 1975, khu sách này tự động giải tán và một số chủ quầy trở thành những người bán sách dạo ở đầu Lê Lợi gần thư viện Abraham Lincoln (khu Rex bây giờ).
Sau một thời gian những người bán sách được tập trung vào khu đường sách Đặng Thị Nhu. So với khu sách cũ Lê Lợi thì khu Đặng Thị Nhu có vẻ bề thế hơn, là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.
Chỉ là một con đường nhỏ, dài chừng 200 m nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ.
Hàng ngày, con đường này tấp nập những người mua và bán sách. Sau một thời gian, theo nhịp độ phát triển kinh tế, khu chợ sách lộ thiên này biến mất.
Khu vực trung tâm Sài Gòn chỉ còn lại hai nhà sách Fahasa, một ở đường Lê Lợi - phát triển từ nhà sách Khai Trí và một ở đường Nguyễn Huệ. Các tiệm sách và đường sách đã về con đường nhỏ như Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo... Một vài hiệu sách nhỏ sống rải rác ở khu Nguyễn Thị Minh Khai do các ông chủ tư nhân quản lý.
Về sau này, đường sách Nguyễn Văn Bình ra đời đã tiếp nối được truyền thống của một thành phố từng có những con đường sách. Đường sách Nguyễn Văn Bình đẹp hơn, tốt hơn, lành mạnh và văn hóa hơn vì được những người yêu sách quản lý và điều hành.