Điều ít biết về tên lửa 4,2 tấn sử dụng tại chiến sự
Tờ War Zone cho biết, lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa diệt hạm 3M44 Progress được hoán cải để tấn công mục tiêu mặt đất của Ukraine.
Theo mô tả của báo Mỹ, hình ảnh được công bố hôm 18/1 cho thấy xác tên lửa được xác nhận là 3M44 Progress của Nga rơi xuống Ukraine, nhưng không rõ thời gian và địa điểm cụ thể nó được tìm thấy.
Đây là lần đầu tiên tên lửa 3M44 Progress được Nga sử dụng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Hiện vẫn chưa rõ tên lửa được phóng từ xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) hay tổ hợp Utyos cố định nằm tại khu vực Balaklava tại Crimea.
Sự xuất hiện của tên lửa 3M44 Progress trong xung đột là dấu hiệu cho thấy Nga đang tiếp tục hoán cải nhiều loại tên lửa có sẵn trong biên chế thành vũ khí đánh đất được cho là để bù đắp việc thiếu tên lửa chuyên thực hiện nhiệm vụ này.
Đạn tên lửa 3M44 có chiều dài 10,2 m, đường kính thân gần một mét, khối lượng phóng khoảng 4,2 tấn, phần cánh nâng có sải cánh 2,6 m và gấp gọn trong ống phóng. Quả đạn được lắp hai tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, giúp đẩy tên lửa khỏi ống phóng và đạt tốc độ đủ cao để kích hoạt động cơ tua-bin phản lực.
Progress có tầm bắn 450 km, độ cao hành trình tối đa 7 km và tốc độ 1.800-2.200 km/h. Nếu phóng theo loạt nhiều quả, một tên lửa sẽ bay cao để dùng radar phát hiện mục tiêu và chia sẻ dữ liệu cho các quả đạn bay thấp hơn.
Trong giai đoạn lao đến đích, tên lửa sẽ hạ độ cao xuống 25-100 m để tránh radar phòng không, hạn chế thời gian phản ứng và khả năng đánh chặn của đối thủ.
Tên lửa được trang bị phần chiến đấu nổ mạnh nặng 560 kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật, đủ sức phá hủy nhiều loại chiến hạm, kể cả tàu sân bay và tàu đổ bộ hạng nặng cho mỗi phát bắn.
Không chỉ đầu đạn ám ảnh mọi mục tiêu, động năng lớn và lượng nhiên liệu dư thừa sau chuyến bay cũng có thể gây thiệt hại nặng tại khu vực bị tấn công.
Ngay từ năm 1973, tên lửa 3M44 là vũ khí chính của hệ thống phòng thủ bờ biển Utyos của Liên Xô tại Crimea, nhằm bảo vệ bán đảo và căn cứ hải quân chiến lược Sevastopol, cũng như phong tỏa một phần Biển Đen một khi có xung đột.
Để tránh đòn tấn công đáp trả từ đối phương, những tổ hợp Utyos chủ yếu được bố trí trong lòng núi. Hiện vẫn chưa xác định được cơ chế dẫn đường Nga sử dụng với 3M44 khi tấn công mục tiêu mặt đất ở Ukraine.
Được biết, nguyên bản 3M44 được trang bị hệ thống định vị quán tính, có khả năng hiệu chỉnh đường bay trên toàn hành trình nhờ đường truyền tín hiệu vô tuyến với đài điều khiển, kết hợp radar chủ động khi ở cách mục tiêu khoảng 20 km.
Chuyên gia Thomas Newdick của War Zone cho biết: "Hệ thống định vị quán tính có thể dẫn tên lửa theo điểm mốc định sẵn, còn radar chủ động chuyên bám bắt vật thể có độ tương phản cao.
Đường truyền dữ liệu cho phép kíp điều khiển theo dõi hành trình tên lửa, lựa chọn phương án hiệu chỉnh đường bay và lệnh cho nó bổ nhào xuống mục tiêu với góc tới 80 độ".
Chuyên gia Mỹ cho biết thêm: "Quân đội Nga đang muốn tận dụng tốc độ và tính năng bổ nhào của 3M44 để tấn công mục tiêu Ukraine, tương tự trường hợp của P-800 Oniks và Kh-22, những vũ khí mà phòng không Ukraine chưa thể đánh chặn.
Rất có thể loại tên lửa này sẽ tiếp tục được sử dụng cho những cuộc tấn công với cường độ cao trong thời gian tới của lực lượng Nga nhằm vào loạt mục tiêu của Ukraine".