Điều khác biệt Việt Nam 2020
Việc kích hoạt sớm hệ thống phòng chống đại dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam trở thành tấm gương sáng trên thế giới về kiểm soát dịch bệnh.
Trong căn hộ thuê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), Leggett James - một giáo viên ngoại ngữ đang dạy tiếng Anh cho một người Việt. Đó là một phần công việc của James sau những giờ dạy ở Trung tâm tiếng Anh ở khu Ngoại giao đoàn.
Tâm sự với phóng viên về vấn đề thời sự liên quan đến đại dịch Covid-19, James chia sẻ: Dịch bệnh này là “điều không may mắn” cho thế giới. Vương quốc Anh - nơi James sinh ra và lớn lên - cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến chống Covid-19. Sức tàn phá của dịch bệnh ấy là không thể đong đếm.
Nhìn cách Việt Nam ứng phó với đại dịch này, James nhận xét: "Khi đại dịch này nổ ra đầu tiên ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ứng phó nhanh hơn nhiều các quốc gia phương Tây, kể cả ở nơi tôi sinh ra".
Dù vậy, James cũng thừa nhận rằng anh nằm trong số hàng triệu người ở Việt Nam đang bị tác động bởi đại dịch. “Covid-19 cũng tác động đến thu nhập của tôi. Lớp học ít hơn, số giờ dạy ít hơn nên trung tâm cũng trả cho tôi ít hơn so với năm ngoái”, James nói.
Đó là điều không thể tránh khỏi. Dù kiểm soát tốt nhưng tác động nhiều chiều của dịch bệnh này đã làm hơn 30 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp - theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thương trường vì không chịu nổi sức tàn phá của suy thoái kinh tế.
Nhưng Việt Nam vẫn cố gắng để ổn định cuộc sống người dân, duy trì phát triển kinh tế. Dịch bệnh được kiểm soát đồng nghĩa với việc những hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh được tiếp tục trong tình trạng “bình thường mới”. Những máy đo thân nhiệt ra vào các trụ sở, nhà máy được dựng lên; nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, khai báo y tế,... là yêu cầu bắt buộc cho tất cả những ai muốn bước chân vào một trụ sở, nhà máy, cơ quan, tổ chức nào đó. Bởi họ hiểu rằng, một phút bất cẩn khiến có người dương tính, thì hoạt động sản xuất sẽ bị ngừng lại.
Ông Dương Hùng Văn - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển PTSC (POS) - chưa bao giờ quên nỗi ám ảnh của những ngày dịch bệnh bùng phát. Đây cũng là năm POS phải thi công một dự án lớn ở Qatar, theo kế hoạch POS phải đưa 900 lao động sang quốc gia này. Do đại dịch bùng phát, Qatar quyết định “đóng cửa”.
“Thời điểm đầu tưởng vỡ trận. Nhưng sau khi được khách hàng hỗ trợ và can thiệp với Chính phủ Qatar cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cuối tháng 6 chúng tôi đưa được 600 người sang Qatar ở thời điểm đó”, ông Văn cho biết. “Tháng 8 chúng tôi đưa tiếp sang 100 lao động. Hiện có 700 lao động đang làm việc ở Qatar”.
Kể về hành trình đưa người sang đây làm việc, đại diện POS chưa quên cảm giác hồi hộp bởi những tình huống kịch tính.
“Đưa người sang đó cực rủi ro”, ông Văn kể tiếp. “Trong quá trình di chuyển hoàn toàn có thể xảy ra lây nhiễm. Chỉ 1 người lây là gần như cách ly toàn bộ. Trước khi đưa người sang Qatar, chúng ta đã test nhanh và không ai bị dương tính. Khi đến sân bay bên kia, họ test tiếp, thấy ổn họ đưa về khách sạn cách ly mỗi người 1 phòng. 600 người 600 phòng”.
Nhưng, 14 ngày sau khi cách li, 1 người bỗng nhiên nhận kết quả dương tính khiến tình hình náo loạn. Toàn khu vực được cách ly. “May mắn thay, sau khi test lại, người này có kết quả âm tính. Cuối cùng, 700 lao động đã sang làm việc an toàn. Tháng 4 sang năm, chúng tôi sẽ hoàn thành và bàn giao cho khách hàng”, ông Văn thở phào khi nhắc lại quãng thời gian căng như dây đàn.
Cùng với hàng không, du lịch, ngành Dầu khí toàn cầu là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ “khủng hoảng kép” do dịch Covid-19 kéo giá dầu duy trì giảm sâu - bình quân 11 tháng đạt 43,8 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với giá kế hoạch là 60 USD/thùng.
Tính đến hết quý III/2020, các tập đoàn dầu mỏ lớn như: Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD. Trong đó, BP (Anh) đã báo cáo khoản lỗ khủng tới 16,8 tỷ USD trong quý II và tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 450 triệu USD trong quý III; Chevron, "đại gia" dầu mỏ của Mỹ báo cáo khoản lỗ 8,3 tỷ USD trong quý II và khoản lỗ 207 triệu USD trong quý III.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng trải qua những thời khắc được đánh giá là “chưa từng có trong lịch sử”. Tuy nhiên, PVN lại thể hiện một hình ảnh rất khác, là một trong những tập đoàn dầu khí hiếm hoi trên thế giới không bị lỗ. Báo cáo mới nhất của tập đoàn cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2020, các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu thô, sản xuất đạm, xăng dầu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Nhiều thành viên không chỉ về đích sớm mà còn vượt chỉ tiêu lợi nhuận từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm.
Nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước cũng cho thấy một cú bứt tốc thần kỳ dù dịch bệnh vẫn là “từ khóa” gây ám ảnh. Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao, còn xuất khẩu tăng 2 lần so với cùng kỳ.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay: “Đơn đặt hàng sản phẩm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng của Hòa Phát cuối năm liên tục tăng cao, vượt quá năng lực cung ứng, là động lực để Tập đoàn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong tháng còn lại của năm 2020, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lò cao số 4 của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Dự kiến trong tháng 1/2021, toàn bộ dự án tại Dung Quất sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động đồng bộ cả hai giai đoạn với công suất khoảng 5 triệu tấn/năm”.
Đó là ở khía cạnh doanh nghiệp. Còn những con số vĩ mô được Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho thấy điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới... Các chỉ số liên quan đến lạm phát, xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối... đều “ổn”.
So sánh cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 lần này với đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét: Tình hình của Việt Nam năm 2020 tốt hơn rất nhiều những năm 2008-2009. Dù tăng trưởng GDP giai đoạn đó không thấp như bây giờ nhưng bất ổn vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, niềm tin trong xã hội khi đó lại giảm khủng khiếp. Giờ chúng ta nhìn thấy nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát đều ở mức dưới 4%.
“Qua đợt khủng hoảng này, có thể thấy sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam là rất tốt”, ông Đinh Tuấn Minh đúc rút.
Đánh giá về việc Việt Nam ứng phó với đại dịch, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Đảng và Chính phủ có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời để kìm hãm dịch bệnh, tái khởi động nền kinh tế. Các gói hỗ trợ về kinh tế và an sinh xã hội được triển khai với độ phủ khá rộng, bước đầu phát huy tác dụng. Tất nhiên kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng, một số biện pháp hỗ trợ chậm đi vào thực tiễn, còn nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này.
Tuy nhiên, điều ông Lộc thấy ấn tượng là “khả năng chống chịu kiên cường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, của hệ thống chính trị Việt Nam”. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn tiếp tục được khơi dậy.
Còn ở khía cạnh kinh tế Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho rằng: Về mục tiêu kinh tế chúng ta đạt cả 3 yêu cầu là ổn định, tăng trưởng và kết nối. Cả 3 điều đó đều quan trọng với kinh tế Việt Nam.
“Trong bối cảnh đêm tối của nền kinh tế toàn cầu, 'bếp lửa' của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng đèn”, Chủ tịch VCCI tiếp tục giữ thói quen dùng hình ảnh ví von khi đánh giá về nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Ba chân kiềng của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững. Đó là đổi mới thể chế đang tiếp tục, hội nhập vẫn đang được thúc đẩy, chuyển đổi số đang được thực thi. Tôi nghĩ có lẽ đó là 3 chân kiềng trong 'bếp lửa' của kinh tế Việt Nam. Đây chính là động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhìn nhận nước ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh chưa được kiểm soát trên toàn cầu; doanh nghiệp còn khó khăn, chậm phục hồi, hàng triệu lao động thiếu việc làm, đó là khó khăn rất lớn cần phải khắc phục.
Phục hồi doanh nghiệp là mệnh lệnh của tất cả chúng ta. Gói hỗ trợ lần hai cần được thiết kế và triển khai. Nếu gói hỗ trợ thứ nhất là phổ cập, nhằm vào đối tượng khó khăn, nhằm đạt được mục tiêu trụ vững thì gói hỗ trợ lần hai cần tập trung vào lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời như hàng không, du lịch,... Đó phải là các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc, để tạo động lực phát triển của nền kinh tế sau đại dịch.
Song nguồn lực tài chính, tài khóa luôn hữu hạn, khó có thể trông chờ. Cho nên, phải tìm đến những nguồn lực vô hạn. Nguồn lực vô hạn ấy, trong cách hiểu của lãnh đạo VCCI, chính là “thể chế”.
“Các doanh nghiệp nói với tôi rằng điều họ cần nhất không phải là tiền bạc mà chính là thể chế. Cho nên cùng với việc hỗ trợ bằng tài khóa, tín dụng, thì khơi thông thể chế là nguồn lực vô hạn đóng góp vào sự phát triển”, ông Lộc nói và thừa nhận rằng “đó chính là điều ám ảnh chúng ta trong suốt những năm qua”.
Bởi lẽ dù Việt Nam có nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh, nhưng thứ hạng trong ASEAN chưa thay đổi nhiều. Việt Nam mới đứng thứ 5 ASEAN về môi trường, thứ 7 về năng lực cạnh tranh. Điều đó cho thấy chúng ta còn dư địa lớn để thúc đẩy cải cách thể chế. Khai thác tốt dư địa của thể chế, môi trường kinh doanh sẽ tạo động lực cho sự phát triển.
“Việc dỡ bỏ rào cản, đơn giản hóa thủ tục, huy động nguồn lực toàn dân vào sự nghiệp phát triển, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các dự án là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Bởi lẽ vốn đang nằm chờ, bị cản trở bởi các thủ tục là rất nhiều. Nếu nói về gói giải pháp thì đây là gói giải pháp quan trọng nhất”, Chủ tịch VCCI đúc rút.
Lương Bằng
Thiết kế: Quốc Dũng