Điều khiển bằng giọng nói: Đủ chuyện thú vị
Công nghệ phát triển giúp con người điều khiển các thiết bị đơn giản, hiệu quả hơn, trong đó có điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm, công nghệ còn tạo ra những tình huống bi hài mà ít người ngờ tới.
Theo tạp chí PwC, nhận dạng giọng nói (Voice Recognition hay VR) là công nghệ có thể hiểu đơn giản hơn là nói yêu cầu của mình, giúp giải phóng đôi tay để làm các việc khác như nấu ăn hoặc lái xe... VR có tốc độ nhanh hơn thủ công tới 7 lần. Tuy nhiên, điều khiển bằng giọng nói không phải dành cho mọi trường hợp, và có nhu cầu về thiết bị cao.
Nghiên cứu của PwC cho thấy, 65% người tiêu dùng trong độ tuổi 25-49 nói chuyện với các thiết bị hỗ trợ giọng nói của họ hàng ngày. Nó cho phép người dùng nói chuyện và tương tác với thiết bị điện tử như khi họ đang làm với người khác. Điều này làm tăng tính liền mạch khi sử dụng các sản phẩm công nghệ. Có rất nhiều cách sử dụng để nhận dạng giọng ở nhà, văn phòng và thậm chí trong ô tô... dựa vào các trợ lý kỹ thuật số mà mọi người đều biết và yêu thích như Google Assistant, Amazon Alexa, Microsoft’s Cortana, hay Siri của Apple... Trong thế kỷ 21, ngày càng có thêm nhiều thiết bị gia dụng được điều khiển bằng giọng nói, như đồ chơi giáo dục, thiết bị an ninh, hệ thống báo động, thiết bị y tế… Các thiết bị này được cung cấp năng lượng và tích hợp với Alexa và Siri, cho phép người dùng kiểm soát liền mạch các khía cạnh khác nhau của ngôi nhà thông minh hay công việc của mình.
Đối với một số người khuyết tật, nhóm người gặp khó khăn hoặc không thể làm việc với chuột hoặc bàn phím, VR mang đến một thế giới tiện ích và hữu dụng. Nó có thể giải phóng mọi người khỏi việc đánh máy và sử dụng bàn phím. Giúp những người bị suy giảm thể chất và giảm nguy cơ chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại vì phải đánh máy hoặc sử dụng chuột quá nhiều. Ví dụ, những người mắc chứng khó đọc có thể viết trôi chảy, chính xác và nhanh chóng hơn bằng cách sử dụng VR và giảm stress hơn so với viết tay hoặc đánh máy thông thường. Đối với người sử dụng lao động, VR giúp điều chỉnh hợp lý, ngăn chặn sự phân biệt đối xử và tối đa hóa năng suất của nhóm người khuyết tật.
Những tình huống bi hài
Điều khiển bằng giọng nói hay nói với Siri là một cách nhanh chóng để hoàn thành công việc. Ví dụ, hỏi Siri để dịch một cụm từ, đặt hẹn giờ, tìm vị trí, báo cáo về thời tiết... Trên các thiết bị được hỗ trợ, dữ liệu nhập bằng giọng nói được xử lý trên iPhone, nhưng bản chép lại các yêu cầu của bạn được gửi đến Apple để cải thiện Siri. Dữ liệu không được liên kết với ID Apple của bạn và sẽ chỉ được lưu trữ trong một thời gian giới hạn. Bạn cũng có thể lựa chọn chia sẻ bản ghi giọng nói với Apple cho các mục đích cải thiện.
Một trong những chuyện bi hài liên quan đến VR được trang mạng Reddit cập nhật là trường hợp một độc giả đã gọi nhầm tên vợ ảo trên iPhone, và bị "phong sát" không dám ho he nửa lời. Theo đó, các trợ lý ảo này nhận thức được cảm xúc giống như con người để tấn công lại.
Chuyện bắt đầu khi chàng trai này bật tương tác với trợ lý ảo Siri trên iPhone, nhờ tìm hộ một bộ phim để xem giết thời gian. Do gọi nhầm tên sang trợ lý ảo Alexa của Amazon, khiến cho Siri thực sự tức giận và quyết định... dạy cho chàng trai này một bài học vào cuối video. Video đăng trên Reddit, thu hút lượng lớn cư dân mạng. Nhiều người thử làm theo, nói y hệt như anh chàng trên nhưng kết quả trả lời của Siri không giống vậy. Bình luận, một số người cho rằng chủ nhân chiếc iPhone hẳn đã huấn luyện Siri qua một cách nào đó, bởi Siri có khả năng học hỏi theo thói quen người dùng theo thời gian. Một ngoại lệ nữa là việc anh này dùng ứng dụng Shortcuts mặc định của Apple để lập trình và thêm các câu lệnh, rất chuyên nghiệp và bài bản so với kiến thức của người dùng chung và cuối cùng đã nhận cái kết như đề cập.
Theo trang tin Businessinsider (BIC), nhờ công nghệ phát triển, tương lai con người có thể giao tiếp, điều khiển thiết bị trong nhà tắm bằng chính giọng nói của mình. Tiên phong có các sản phẩm nhà bếp và phòng tắm điều khiển bằng VR của hãng Kohler Co., có trụ sở tại Wisconsin (Mỹ). Trang bị nhà tắm thông minh của Kohler như gương, tủ đồ, toilet thông minh và bồn tắm… tất cả đều có thể được kích hoạt bằng giọng nói hoặc chuyển động để điều khiển nhiệt độ màu của ánh sáng phù hợp với tự nhiên hay tâm trạng người dùng.
Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Kohler với Signifi, tiền thân là Philips Lighting, một trong những công ty chiếu sáng kết nối hàng đầu thế giới. Theo đó, những thiết bị trong phòng tắm được sản xuất hướng tới một cuộc sống tự động hóa trong tương lai. Trong đó, việc điều chỉnh ánh sáng theo tâm trạng của chủ nhà dựa vào sự hỗ trợ của trợ lý ảo Alexa hoặc Google Assistant. Thậm chí, chủ nhân có thể yêu cầu ghế vệ sinh gia nhiệt trước khi sử dụng...
Ví dụ, chiếc gương có thể điều chỉnh kích thước to nhỏ, chuyển động, và thay đổi ánh sáng bằng điều khiển từ xa hoặc giọng nói. Gương có thể phóng đại hình ảnh và thay đổi nhiệt độ màu của ánh sáng trên gương chỉ bằng cách vẫy tay, điều khiển từ xa hoặc bằng giọng nói. Do hiện đại và thông minh nên giá cho những thiết bị này cũng không rẻ. Một chiếc gương nhà tắm có giá khoảng 900 USD, thiết bị vệ sinh có giá khoảng 7.000 USD, đưa tổng sản phẩm nhà tắm thông minh này lên tới hơn 16.000 USD (khoảng 360 triệu đồng).