Điều khiến các giáo sư y khoa tại Hàn Quốc phải xin lỗi

Các giáo sư y khoa của Đại học Quốc gia Seoul đã đưa ra lời xin lỗi tới bệnh nhân vì kế hoạch đình công vô thời hạn bắt đầu từ tuần tới.

 Quyết định đình công là “biện pháp cuối cùng” để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế không bền vững của Hàn Quốc. Ảnh: Newsis.

Quyết định đình công là “biện pháp cuối cùng” để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế không bền vững của Hàn Quốc. Ảnh: Newsis.

Ngày 14/6, các giáo sư y khoa của Đại học Quốc gia Seoul (SNU, Hàn Quốc) đã gửi lời xin lỗi bệnh nhân vì lên kế hoạch đình công vô thời hạn vào tuần tới để phản đối chương trình cải cách y tế của chính phủ, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân nặng mà không gặp trở ngại nào.

Liên tiếp kế hoạch đình công

Lời xin lỗi được đưa ra bởi Ủy ban ứng phó khẩn cấp, gồm các giáo sư y khoa SNU, đồng thời là bác sĩ cao cấp tại các bệnh viện trực thuộc SNU. Họ tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 17/6.

Theo Yonhap, hành động này được thực hiện do chưa có đột phá nào trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa chính phủ và các bác sĩ thực tập, những người đã bỏ việc từ tháng 2 để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ. Quyết định đình công là “biện pháp cuối cùng” để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế không bền vững của đất nước.

"Chúng tôi thực sự xin lỗi các bệnh nhân mắc bệnh nặng và bệnh hiếm gặp. Chúng tôi hiểu rằng kế hoạch phản đối chính phủ của mình có thể khiến bệnh nhân rơi vào cảnh tuyệt vọng", Ủy ban ứng phó khẩn cấp cho biết trong một cuộc họp báo tại Seoul.

Ủy ban nhấn mạnh rằng việc đình công sẽ không ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho các bệnh nhân nguy kịch. Thay vào đó, hoạt động đình công sẽ tạm dừng các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại trú và những người mắc bệnh nhẹ.

Các giáo sư SNU yêu cầu chính phủ thừa nhận trách nhiệm gây ra khủng hoảng y tế hiện tại và thực hiện các biện pháp thực tế. Họ cũng kêu gọi nỗ lực cải thiện điều kiện cho các bác sĩ thực tập, thành lập một cơ quan tư vấn để đối thoại giữa chính phủ và các bác sĩ.

Bên cạnh kế hoạch đình công của các giáo sư SNU, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (một nhóm vận động chính sách quan trọng của các bác sĩ) cũng quyết định đình công một ngày vào ngày 18/6, theo Korea Herald. Cuộc đình công này có thể bao gồm giáo sư tại 40 trường y khoa cùng các bác sĩ tư nhân.

Ngày 12/6, các giáo sư y khoa tại 3 bệnh viện lớn của Đại học Yonsei là Bệnh viện Severance, Bệnh viện Severance Gangnam và Bệnh viện Severance Yongin, cũng đã bỏ phiếu, quyết định tiến hành cuộc đình công vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 27/6.

Cùng trong ngày 12/6, các giáo sư y khoa tại 8 bệnh viện lớn liên kết với Đại học Công giáo Hàn Quốc đã bỏ phiếu, quyết định tham gia cuộc đình công theo kế hoạch của các bác sỹ cộng đồng. Phòng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nguy kịch tại 8 bệnh viện sẽ không bị ảnh hưởng.

 Bệnh nhân và người nhà tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: Yonhap.

Bệnh nhân và người nhà tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: Yonhap.

43.000 lượt khám ngoại trú có thể bị hoãn

Bất chấp sự phản đối gay gắt, cuối tháng trước, lần đầu tiên sau 27 năm, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y khoa (khoảng 1.500 chỗ) nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ.

Theo báo cáo từ các nguồn tin trong ngành y tế hôm 14/6, nếu tất cả giáo sư đều tham gia đình công, khoảng 43.000 lượt khám ngoại trú có thể bị hoãn lại. Tuần tới, các ca phẫu thuật theo lịch trình đều có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ tùy thuộc vào số lượng giáo sư thực sự tham gia đình công.

Để ngăn chặn sự gián đoạn nghiêm trọng, Thủ tướng Han Duck-soo đã yêu cầu các giáo sư y khoa hủy bỏ cuộc đình công theo kế hoạch, nói rằng "có những hạn chế theo hiến pháp và luật pháp để bảo vệ tính mạng của người dân".

Ngày 13/6, chính phủ cũng cảnh báo sẽ có hành động nghiêm khắc đối với các bác sĩ tham gia đình công toàn bộ dịch vụ vì đây có thể là hành vi vi phạm Luật Dịch vụ Y tế. Điều luật này quy định nhân viên y tế không được phép từ chối cung cấp dịch vụ y tế khi nhận được yêu cầu điều trị bệnh hoặc hỗ trợ sinh sản mà không có "lý do chính đáng".

Tuy nhiên, giới y tế cho rằng bệnh nhân có thể không gặp bất kỳ sự hỗn loạn nào vì phòng cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt vẫn hoạt động, tương tự việc điều trị cho các bệnh nhân nặng đang nằm viện.

Ngoài ra, các giáo sư y khoa đã chỉ định những ngày cụ thể để khám ngoại trú, trong khi những ngày khác dành cho nghiên cứu, giảng dạy hoặc các hoạt động chuyên môn khác, điều này sẽ không làm gián đoạn tất cả ca điều trị y tế không khẩn cấp.

Giữa những lo ngại về sức khỏe bệnh nhân đang leo thang, một số bác sĩ tuyên bố sẽ tiếp tục điều trị, bao gồm Hiệp hội các giáo sư y khoa chuyên về điều trị bệnh động kinh, Hiệp hội bệnh viện sản khoa Hàn Quốc, Hiệp hội gây mê Hàn Quốc, Hiệp hội bệnh viện Nhi đồng Hàn Quốc.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-khien-cac-giao-su-y-khoa-tai-han-quoc-phai-xin-loi-post1481231.html