Điều khiến ông Trump khác biệt với các đời tổng thống Mỹ
Khác với ông Trump, các đời tổng thống Mỹ luôn tuân thủ chặt chẽ những thủ tục nghiêm ngặt trong tiếp cận tài liệu sau khi rời nhiệm sở dựa trên Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978.
Trong suốt ba năm cựu Tổng thống Barack Obama viết cuốn hồi ký dài 768 trang sau khi rời Nhà Trắng, hàng triệu trang hồ sơ được cất giữ trong kho ở Washington và Chicago.
Mỗi lần ông Obama muốn xem thông tin gì đó, các phụ tá cần gửi yêu cầu tới Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ (NARA). Các tài liệu có lúc sẽ được mã hóa và tải về máy tính rồi chuyển tới văn phòng ông Obama ở Washington, trong khi tài liệu giấy sẽ được cho vào chiếc túi có khóa, sau đó được trả lại theo cách tương tự.
Quy trình chặt chẽ mà ông Obama tuân thủ khi muốn tiếp cận 30 triệu hồ sơ từ nhiệm kỳ tổng thống đối lập hoàn toàn với cách mà ông Donald Trump xử lý tài liệu mật của chính phủ sau khi rời nhiệm sở vào năm 2021.
Theo New York Times, các nguồn thạo tin xác nhận cựu tổng thống của cả 2 đảng đều tuân theo trình tự tương tự khi muốn xem tài liệu tổng thống, dựa trên quy tắc trong Đạo luật Hồ sơ Tổng thống được thông qua vào năm 1978. Điều này trái ngược với ông Trump.
Sự khác biệt ấy đã nêu bật thực tế là việc một cựu tổng thống Mỹ xem nhẹ quy định xử lý hồ sơ rất hiếm khi xảy ra. Không chỉ vậy, điều này cũng cung cấp cái nhìn bao quát hơn về quyết định khám xét nhà ông Trump của FBI, khi cơ quan điều tra này cho rằng cựu tổng thống đã lấy hàng nghìn tài liệu, trong đó có một số tài liệu tuyệt mật.
Tuân thủ nghiêm quy trình lưu trữ tài liệu
Các trợ lý của ông Trump còn nhớ những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn của cựu tổng thống tại Nhà Trắng vào năm 2021, khi ông và một số đồng minh cố gắng bám trụ quyền lực một cách vô ích.
Họ cho biết các thùng tài liệu được thu thập từ khắp phòng ăn bên ngoài Phòng Bầu dục và trong tư gia của ông Trump tại Nhà Trắng, ngay cả khi cả nước Mỹ quay cuồng sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Phần lớn tư liệu lưu trữ của tổng thống sẽ được bàn giao dưới dạng kỹ thuật số. Điều này cho thấy có vẻ như ông Trump đã lấy rất nhiều tài liệu giấy.
Theo các nhà sử học và quan chức, những người làm việc trong Nhà Trắng thường sử dụng điện thoại và máy tính xách tay do chính quyền cấp, để tiện cho việc lưu trữ. Trong khi đó, công việc thực hiện trên máy tính cá nhân phải được in ra hoặc chuyển tiếp bằng email nhằm phục vụ cho việc biên mục và gửi vào kho lưu trữ khi tổng thống hết nhiệm kỳ.
Không rõ có bao nhiêu chiếc thùng do ông Trump và các phụ tá đóng thùng vào phút cuối đã được chuyển cho cơ quan lưu trữ. Tuy nhiên, theo các quan chức liên bang, hàng chục thùng tài liệu cuối cùng xuất hiện ở tư gia của vị cựu tổng thống.
Đó không phải là cách xử lý hồ sơ đúng đắn. “Vào lúc 12h01 ngày 20/1/2021, những tài liệu đó trở thành tài sản của chính phủ Mỹ”, Lee White - Giám đốc điều hành của Liên minh Lịch sử Quốc gia - cho biết.
Một số người am hiểu chủ đề này cho biết quá trình phân loại hồ sơ tổng thống và gửi chúng cho cơ quan lưu trữ sẽ bắt đầu từ trước khi tổng thống rời Nhà Trắng vào chiều 20/1 cả tháng, thậm chí là cả năm.
Trong trường hợp của ông Obama, quá trình này bao gồm việc chuyển hàng triệu tệp kỹ thuật số cho cơ quan lưu trữ. Quy trình này bắt đầu vài tháng trước khi tổng thống kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 và không có sự tham gia trực tiếp của ông Obama.
Theo các tài liệu lưu trữ, Thư viện Tổng thống Obama có bộ lưu trữ điện tử lớn nhất trong hệ thống thư viện tổng thống, với khoảng 250 terabyte dữ liệu gồm khoảng 300 triệu email.
Văn phòng ông Obama gần khu phố Georgetown của Washington có một cơ sở đủ an toàn để thực hiện cuộc gọi và xem xét tài liệu mật. Tuy nhiên, trợ lý của cựu tổng thống cho biết ông không yêu cầu xem tài liệu mật nào trong khi viết sách.
Ông George W. Bush, người rời nhiệm sở năm 2009, cũng đã chuyển hàng triệu tài liệu vào kho lưu trữ. Việc này diễn ra thường xuyên trong suốt hai nhiệm kỳ của cựu tổng thống.
Một người kể lại mọi tài liệu được bảo vệ bởi Đạo luật Hồ sơ Tổng thống sẽ được nhân viên của ông Bush gửi hàng ngày đến Văn phòng Quản lý Hồ sơ để chuyển vào kho lưu trữ.
Ngay cả trước khi đạo luật năm 1978 được ban hành, các tổng thống cũng xử lý văn bản nhà nước một cách cẩn thận.
Nhà sử học Michael Beschloss nói rằng ông Dwight D. Eisenhower đã lưu giữ các tài liệu mật tại Pháo đài Ritchie - một cơ sở quân sự ở Maryland - trong khi ông ở Gettysburg viết hồi ký. Ông Beschloss nói cựu tổng thống và chỉ huy quân đội sẽ phải nộp đơn để được đọc tài liệu.
Kết quả từ bê bối Watergate
Sau khi bị FBI khám xét nhà, ông Trump đã đả kích và có thời điểm cáo buộc ông Obama rời nhiệm sở và mang theo nhiều tài liệu mật.
“Tổng thống Barack Hussein Obama lưu giữ 33 triệu trang tài liệu, phần lớn trong số đó được phân loại”, ông Trump nói. “Bao nhiêu trong số chúng liên quan đến hạt nhân? Rất nhiều!”.
Lời buộc tội đó khiến cơ quan lưu trữ nhanh chóng vào cuộc và bác bỏ tuyên bố của ông Trump. Cơ quan Lưu trữ Quốc gia khẳng định họ “có độc quyền giám sát pháp lý và quản lý hồ sơ Tổng thống Obama khi ông rời nhiệm sở vào năm 2017, theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống”.
Tuyên bố cho biết thêm ngoài 30 triệu trang hồ sơ không mật, cơ quan “lưu giữ các hồ sơ thuộc diện mật trong cơ sở của NARA ở khu vực Washington, D.C.”.
Quyền hạn của cơ quan lưu trữ với hồ sơ tổng thống Mỹ có từ thời kỳ đầu của chính quyền Ronald Reagan. Đây là kết quả từ vụ Watergate khi cựu Tổng thống Richard M. Nixon cố gắng duy trì quyền kiểm soát hàng triệu trang giấy tờ và hàng trăm giờ băng ghi âm.
Ông Nixon ban đầu đạt thỏa thuận với Tổng thống Gerald R. Ford, cho phép ông kiểm soát và vận chuyển tài liệu nhà nước tới nơi nghỉ dưỡng ở California, cũng như được phép phá hủy hoặc sửa đổi tài liệu tùy ý.
Cuộc giằng co pháp lý liên quan tới các tài liệu của ông Nixon khiến Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, sau khi vị tổng thống này rời nhiệm sở vào tháng 8/1974. Đạo luật này có hiệu lực vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Reagan năm 1981.
“Vào thời điểm ông Nixon tới California, những quy tắc về tài liệu tổng thống còn mơ hồ và Mỹ chỉ biết dựa vào lòng yêu nước của một tổng thống, như ông Eisenhower, để thực thi những quy tắc ấy”, ông Beschloss nói. "Ông Nixon cho nước Mỹ thấy họ không thể chỉ dựa vào thiện chí đó".
Vụ việc hiện tại của ông Trump là một thử nghiệm khác về quyền lực của tổng thống.
Ông Trump cáo buộc FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã vượt quá thẩm quyền và vượt quá yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, lịch sử hơn 40 năm qua cho thấy chính ông Trump là người xử lý tài liệu tổng thống không đúng quy trình.
"Cũng như cách ông Nixon nghĩ các cuốn băng tại Nhà Trắng là của mình, ông ấy (Trump) không hiểu rằng ông ấy chỉ là quan chức tại Nhà Trắng và không có quyền sở hữu những tài liệu tại đó", nhà sử học Douglas Brinkley nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-trai-nguoc-cua-ong-trump-post1348764.html