Điều khiến thương hiệu Hoa hậu Việt Nam tồn tại gần 4 thập kỷ
Với thực trạng trong một năm có trên dưới 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức, nhà báo Lê Minh Toản cho rằng con số không nói lên tất cả. Điều đáng bàn là việc những đơn vị tổ chức kiên định với tôn chỉ mục đích của cuộc thi. Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi có tuổi đời 38 năm. Để tồn tại trong suốt gần 4 thập kỷ, cuộc thi kiên định với những trụ cột về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ, cống hiến và các trụ cột đó được công chúng đồng tình.
Hoa hậu Việt Nam kiên định với những giá trị cốt lõi
Chiều 3/7, tại Hà Nội, nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong tham dự bàn tròn thảo luận về thực trạng tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay.
Với thực trạng trong một năm có trên dưới 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức, nhà báo Lê Minh Toản cho rằng con số không nói lên tất cả. Điều đáng bàn là việc những đơn vị tổ chức kiên định với tôn chỉ mục đích của cuộc thi.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 kiên định với bốn trụ cột về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ, cống hiến và tìm ra những cô gái xứng đáng với danh hiệu được trao. Ảnh: Dương Triều.
"Với một đất nước yêu cái đẹp, việc tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc cũng góp phần làm cuộc sống trở nên đa sắc. Số lượng các cuộc thi trong một năm không nói lên nhiều điều, miễn là chọn được hoa hậu xứng đáng với giá trị của họ. Điều cần quan tâm là những người đẹp có danh hiệu truyền cảm hứng cho cộng đồng như thế nào, và tính bền vững của cuộc thi được thể hiện ra sao", nhà báo Lê Minh Toản nói.
Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi có tuổi đời 38 năm. Để tồn tại trong suốt gần 4 thập kỷ, cuộc thi kiên định với những trụ cột về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ, cống hiến và các trụ cột đó được công chúng đồng tình.

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong - nói về uy tín của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: Trọng Tài.
Nhà báo Lê Minh Toản cũng khẳng định khi ban tổ chức cuộc thi nhan sắc thực sự tử tế, công tâm, kiên định, hướng đến cái đẹp và làm cái đẹp ấy tỏa sáng lung linh, cuộc thi sẽ thành công, không tì vết.
"Nếu ban tổ chức định hướng được giá trị cốt lõi và kiên trì với nó, sẽ có những cuộc thi sạch sẽ, dâng hiến cho đời những nàng hậu thực sự tỏa sáng", nhà báo Lê Minh Toản nhận định.
Ở vị trí Phó trưởng ban tổ chức thường trực cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024, nhà báo Lê Minh Toản cũng chia sẻ những chi tiết cho thấy Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi công bằng, minh bạch, không ai có thể can thiệp làm thay đổi kết quả. Sau đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2024, câu chuyện Hoa hậu Hà Trúc Linh được bố cho một triệu đồng khi đi thi được chia sẻ rộng rãi. Chi tiết này cũng đủ cho thấy với gia cảnh của tân hoa hậu, việc dùng kinh tế để can thiệp vào kết quả là điều không thể xảy ra.
Công chúng là người "biên tập", "dán tem"
Nhà báo Lê Minh Toản cho rằng sau cùng, công chúng sẽ là người "biên tập", "dán tem" - sàng lọc các cuộc thi không phù hợp. Đồng tình với quan điểm đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng làm đẹp là nhu cầu chính đáng. Từ đó các cuộc thi, sự kiện tôn vinh sắc đẹp nở rộ.
Để tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần xây dựng những thương hiệu nhan sắc có chất lượng. Qua đó, thị trường có thể tự sàng lọc những sự kiện không phù hợp với sự phát triển văn hóa, xã hội.
"Thương hiệu, chất lượng của cuộc thi mang tính quyết định để chọn ra người đăng quang xứng đáng. Bản thân người đẹp bước ra từ cuộc thi phải có nhận thức về vị trí của họ, cư xử sao cho xứng đáng với danh hiệu", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có các quy định liên quan đến người đẹp, hoa hậu được nêu ra tại phiên thảo luận. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng quan điểm của nghị định không sai, nhưng khi các địa phương thực hiện gặp phải vấn đề về chất lượng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần xây dựng những thương hiệu nhan sắc có chất lượng, từ đó sàng lọc cuộc thi kém uy tín.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt mang tính nêu gương khi có sai phạm.
NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nhấn mạnh cần "biên tập" phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho các cuộc thi có uy tín phát triển. Đồng thời, không để buông lỏng, làm mất vai trò quản lý nhà nước đối với các cuộc thi nhan sắc.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định thời gian tới sẽ gặp gỡ các chuyên gia, nhà báo, tham khảo ý kiến để đưa ra đánh giá, nhận định từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2020/NĐ-CP sao cho phù hợp.
"Khi xưng danh đại diện nhan sắc Việt Nam ra quốc tế, người đẹp phải đại diện cho tầm vóc, trí tuệ, văn hóa, trình độ của phụ nữ Việt Nam hiện đại, đồng thời mang những giá trị nền tảng từ quá khứ", NSND Xuân Bắc nói.