Điều khiến Tổng thống Mỹ Trump đổi thái độ với Nga
Kể từ khi bước chân vào chính trị cách đây một thập kỷ, ông Donald Trump ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một 'nhà lãnh đạo mạnh mẽ', người thường nói 'những điều rất tốt' về ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Với tuyên bố đưa ra ngày 14/7, rằng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí mới cho Ukraine thông qua châu Âu và đe dọa áp thuế với Nga, mối quan hệ thân thiết giữa ông Trump và ông Putin có vẻ đã xấu đi rất nhiều.
Tổng thống Trump - người từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột Ukraine trong vòng 1 ngày sau khi trở lại Nhà Trắng - cho biết ông "thất vọng" về nhà lãnh đạo Nga, khi chiến sự vẫn tiếp diễn và như thể các cuộc điện đàm của lãnh đạo "chẳng có ý nghĩa gì".
Tổng thống Trump phủ nhận ông đã bị “qua mặt”, tiếp tục cho rằng cuộc xung đột Ukraine nổ ra từ năm 2022 là lỗi của người tiền nhiệm Joe Biden - người thực hiện đường lối cứng rắn với Nga.
Dùng công cụ quen thuộc, ông Trump đặt thời hạn 50 ngày buộc Nga tuân thủ trước khi Mỹ áp mức thuế 100% với các quốc gia mua hàng từ Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa ủng hộ dự luật của Quốc hội về mức thuế lên tới 500%.
Tổng thống Trump "hứa rằng ông có thể đưa Tổng thống Putin vào bàn đàm phán, nhưng ông ấy đã không làm được", Heather Conley - cựu quan chức về chính sách Nga của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện đang làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đánh giá.
Việc ông Trump đe dọa áp thuế "cho thấy sự thất vọng vì không làm được điều đó, nhưng tôi không coi đây là một thay đổi chính sách lớn", bà Conley cho biết.
Tổng thống Trump khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt vào ngày 28/2, khi công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Nhà Trắng, nói rằng ông ấy vô ơn dù đã nhận hàng tỷ đô la vũ khí dưới thời chính quyền ông Biden. Sau đó, ông Trump tạm dừng viện trợ quân sự và hỗ trợ thông tin tình báo cho Kiev.
Phần lớn những điều đó dường như đã bị đảo ngược, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Đối với vị tổng thống có lối tư duy giao dịch, sự cứng rắn của Nga đã làm suy yếu hình ảnh của ông Trump như một nhà đàm phán giỏi.
“Đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh về cách thể hiện. Có vẻ như, ít nhất là trong những bình luận gần đây, ông ấy cho thấy cuối cùng ông ấy cũng hiểu ra. Liệu điều đó có kéo dài lâu không, vẫn chưa rõ”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen, thành viên hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua.
Bà Anna Kelly - phát ngôn viên Nhà Trắng, từ chối phản hồi ý kiến cho rằng lập trường của ông Trump hiện nay gần giống với lập trường của chính quyền ông Biden.
Trong một tuyên bố, bà đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden vì không thể ngăn chặn cuộc xung đột nổ ra. “Không giống như ông Biden, Tổng thống Trump tập trung vào việc ngăn chặn giết chóc, và nhờ sự lãnh đạo của ông ấy, Nga và Ukraine đang có các cuộc đàm phán trực tiếp lần đầu tiên sau nhiều năm”, bà nói.
Theo các nhà quan sát, dường như ông Trump đã hiểu ra rằng mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Nga không như ông từng tưởng tượng. Ông đã ngưỡng mộ sự cứng rắn của Tổng thống Putin, nhưng có vẻ đã sai khi tin rằng tình cảm này là từ cả hai phía.
Nga khó nhân nhượng
"Trong 6 tháng, Tổng thống Trump đã cố gắng lôi kéo Tổng thống Putin vào bàn đàm phán. Các cuộc tấn công tăng lên chứ không giảm xuống", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, phát biểu trong chương trình "Face The Nation" của CBS News. Ông Graham là người đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy việc áp lệnh trừng phạt mới với Nga.
Những người quan sát Tổng thống Putin – người tại vị lâu nhất ở Mátxcơva kể từ thời nhà lãnh đạo Josef Stalin, tin rằng khó có khả năng ông sẽ chấp nhận thỏa hiệp về Ukraine hoặc hợp tác với phương Tây. Ông cũng gạt bỏ ý tưởng cho rằng Ukraine có bản sắc lịch sử riêng kể từ khi tách khỏi Liên Xô.
Với việc lực lượng Nga đạt được những bước tiến nhỏ nhưng ổn định trên chiến trường và sự hỗ trợ của quân đội Triều Tiên, Tổng thống Putin có vẻ quyết không nhân nhượng.
"Điện Kremlin đã dồn hết mọi nỗ lực vào việc này. Tổng thống Putin tin rằng đây sẽ chỉ là sự xói mòn dần dần vị thế của Ukraine và phương Tây, và ông ấy sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này dựa trên chính những giá trị của Nga", bà Conley nhận định.