Điều khoản quan trọng trong Obamacare bị tòa án Mỹ tuyên vi hiến
Tòa phúc thẩm ở Mỹ ngày 18/12 yêu cầu bỏ một điều khoản quan trọng của bộ luật chăm sóc sức khỏe Affordable Care Act (còn gọi là Obamacare).
Phán quyết của tòa chống lại điều khoản trong luật bắt buộc người dân Mỹ phải có bảo hiểm, vì cho rằng yêu cầu này là vi hiến.
Tòa phúc thẩm chuyển vụ việc về cho tòa án liên bang ở Texas để xác định xem các phần khác của đạo luật có thể được giữ lại hay không.
Phán quyết 2 ủng hộ - 1 chống của hội đồng phúc thẩm, tòa phúc thẩm tại vùng New Orleans, khiến số phận của Obamacare - là di sản nổi bật của thời cựu tổng thống Obama - trở nên bất trắc, giữa lúc chi phí khám chữa bệnh và bảo hiểm đang trở thành vấn đề cốt yếu của cuộc tranh cử tổng thống.
Phán quyết này được đưa ra đúng một năm sau khi tòa án liên bang ở Fort Worth, Texas, bác bỏ toàn bộ đạo luật.
Một câu hỏi trung tâm trong vụ việc là liệu một yêu cầu cụ thể trong Affordable Care Act bắt buộc người Mỹ hoặc là mua bảo hiểm, hoặc là phải trả tiền phạt, có còn vi hiến hay không khi quốc hội đã giảm tiền phạt đó xuống bằng 0 sau luật thuế năm 2017.
Tòa án Tối cao Mỹ từng giữ điều khoản đó trong phán quyết nổi bật năm 2012, qua đó cứu lấy toàn bộ đạo luật, và lập luận rằng quốc hội có quyền đánh thuế.
Một câu hỏi cốt lõi khác là giờ đây, nếu yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm là vi hiến, liệu toàn bộ luật Affordable Care có bị bác bỏ hay không. Luật này bao gồm nhiều quy định như bảo vệ những người có tiền sử bệnh, và các trợ cấp giúp người dân có thể chi trả được bảo hiểm.
Thông lệ về pháp lý từ lâu ở Mỹ là khi tòa án bác bỏ một phần của một đạo luật, các phần khác sẽ giữ nguyên cho tới khi quốc hội quyết định rõ ràng là không giữ đạo luật đó nữa.