Điều kiện cấp thẻ xanh cho người tiêm một mũi vaccine ở các nước

Thông thường, người tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 mới được cấp thẻ xanh. Tuy nhiên, ở châu Âu, Mỹ, Israel, người khỏi bệnh và tiêm một mũi vaccine cũng được nhận thẻ này.

Thẻ xanh là từ khóa được quan tâm nhất tại các nước trên thế giới. Bởi nó gắn liền với những dỡ bỏ hạn chế đi lại, quay trở về các hoạt động sinh hoạt thường nhật. Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc áp dụng thẻ xanh vào quản lý bệnh nhân, người dân trong trạng thái bình thường mới.

Điều kiện đi kèm

Theo Euronews, thẻ xanh được sử dụng lần đầu tiên tại Israel, dưới dạng giấy in cứng hoặc ứng dụng tích hợp trên điện thoại, nhằm chứng minh một người đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ hoặc khỏi bệnh. Nó cho phép họ vào các nhà hàng, quán bar, tiệm cà phê và những địa điểm, không gian trong nhà khác.

Màn hình thẻ xanh mà người dân tại Israel đang sử dụng. Nó bao gồm chứng nhận tiêm chủng, hồi phục Covid-19 hoặc phiếu xét nghiệm. Ảnh: Ynet.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm quay lại cuộc sống bình thường, chính phủ Israel cũng đưa nhiều quy định để cấp thẻ xanh thuận tiện nhất. Trên trang chính thức của Bộ Y tế nước này, thẻ xanh mới có hiệu lực từ ngày 3/10 và có giới hạn thời gian sử dụng.

Đặc biệt, Israel cấp thẻ xanh cho người đã khỏi Covid-19 (căn cứ bằng xét nghiệm) và được tiêm một mũi vaccine Covid-19.

Ngoài trường hợp này, thẻ xanh còn cấp cho người đã tiêm đủ 3 liều vaccine (sau một tuần tiêm liều thứ 3); người đã tiêm đủ 2 liều vaccine (sau một tuần tiêm liều thứ 2, hai tuần nếu tiêm Moderna).

Người đã khỏi Covid-19 cũng được cấp thẻ dựa trên giấy chứng nhận hồi phục. Thời gian sử dụng của các loại thẻ này là 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối cùng hoặc ngày trên giấy chứng nhận khỏi bệnh.

Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống không được cấp thẻ xanh. Nếu muốn tham gia các hoạt động, các em cần có xét nghiệm rRT-PCR âm tính, giá trị 7 ngày. Đây cũng là một quy định trong chương trình giáo dục để trẻ quay trở lại trường học.

Bộ Y tế Israel là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp thẻ xanh. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe khác được quyền cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc phục hồi Covid-19, nhưng không được phép cấp thẻ này.

Tương tự Israel, tại Pháp, người khỏi Covid-19 đã được cấp thẻ xanh khi họ tiêm một liều vaccine. Thời gian nhận thẻ là sau 7 ngày tiêm chủng. Với các vaccine Covid-19 một liều như Johnson & Johnson, người tiêm cũng được cấp thẻ xanh sau 4 tuần.

Tại Liên minh châu Âu, ngay khi người dân tiêm vaccine Covid-19 mũi 1, họ đã được cấp chứng chỉ điện tử (EU Digital Covid-19 Certificate - EDCC). Theo Ủy ban châu Âu, tấm thẻ này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc di chuyển an toàn trong đại dịch tại các nước thuộc EU. Về nguyên tắc, họ không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào các nước trong khối EU.

Đây là tấm thẻ 3 trong 1, cung cấp các thông tin cho thấy một người đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc khỏi bệnh (hình thành kháng thể miễn dịch sau khi mắc Covid-19). Với người đã tiêm vaccine Covid-19, thẻ xanh có hiệu lực trong 270 ngày (tương đương 9 tháng).

Tại Mỹ, với người nhập cư, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) quy định người xin thẻ xanh phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Số liều phụ thuộc loại vaccine họ tiêm. Ba loại vaccine được chấp thuận để xin thẻ xanh là do Pfizer-BioNTech, Moderna và Janssen (Johnson & Johnson) sản xuất.

Quy định này được miễn trừ cho những trường hợp chống chỉ định hoặc thận trọng với công thức vaccine hiện có (họ có thể gặp tác dụng phụ không mong muốn nếu tiêm chủng, chứng minh bằng xác nhận từ cơ quan y tế); không có vaccine tiêm liều thứ 2 do nguồn cung hạn chế; không nằm trong nhóm tuổi được sử dụng vaccine theo khuyến cáo từ nhà sản xuất.

 Du khách xuất trình chứng nhận Covid-19 trước khi vào Đấu trường La Mã ở trung tâm của Rome. Ảnh: AFP.

Du khách xuất trình chứng nhận Covid-19 trước khi vào Đấu trường La Mã ở trung tâm của Rome. Ảnh: AFP.

Giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm, tử vong sau mũi 1

Cơ sở để cấp thẻ xanh cho người khỏi Covid-19 mới tiêm một liều vaccine là họ đã có kháng thể bảo vệ. Khi chống chọi với nCoV, hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể tự nhiên. Tuy nhiên, kháng thể này suy giảm theo thời gian. Do đó, người khỏi Covid-19 vẫn cần tiêm chủng.

Business Insider dẫn lời Giáo sư thống kê y tế Stephen Evans, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh, cựu thành viên Ủy ban An toàn, Cơ quan Dược phẩm châu Âu, khẳng định dữ liệu về hiệu quả hoạt động của vaccine Covid-19 sau một liều tiêm không được xác định rõ ràng. Bởi nó phụ thuộc thời điểm đo lường.

Song, chắc chắn sau tiêm mũi 1, cơ thể người đã sinh kháng thể chống nCoV, giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm và bệnh nặng do Covid-19.

Một nghiên cứu hồi tháng 4 tại Anh cho thấy vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca đã giúp giảm 72% ca mắc Covid-19 có triệu chứng chỉ sau một liều tiêm. Khả năng bảo vệ có thể được duy trì trong 19 tuần. Hiệu lực của Pfizer tăng lên 90% sau hai liều.

Nhóm chuyên gia khác tại nước này cũng khẳng định một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca làm giảm 50% tỷ lệ mắc bệnh có triệu chứng trên mỗi hộ gia đình ở Anh.

 Một liều vaccine Covid-19 cũng đã mang tới hiệu lực bảo vệ, giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng, bệnh nặng và tử vong. Ảnh: Reuters.

Một liều vaccine Covid-19 cũng đã mang tới hiệu lực bảo vệ, giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng, bệnh nặng và tử vong. Ảnh: Reuters.

Với người trên 70 tuổi, một mũi vaccine trên có thể bảo vệ khỏi lây nhiễm nCoV, giảm tỷ lệ nhập viện lên tới 6 tuần, ngay cả với biến chủng Alpha, hiệu lực là 80%.

Một liều Pfizer hoặc AstraZeneca cũng giúp giảm 56% mắc Covid-19 có triệu chứng ở người trên 75 tuổi. Vaccine có hiệu lực ngay cả với biến chủng Alpha, sau 4-7 tuần tiêm mũi 1.

Tại Mỹ, đầu tháng 4, CDC cũng công bố kết quả cho thấy những lực lượng tuyến đầu tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna đã đạt hiệu lực 80% khỏi lây nhiễm nCoV sau 14 ngày tiêm chủng.

Tại Canada, nghiên cứu hiệu quả thực tế của vaccine AstraZeneca đánh giá dữ liệu từ 69.533 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021: Hiệu lực chống lại Covid-19 có triệu chứng là 50% với các biến chủng Beta/Gamma và 70% với biến chủng Delta, 72% đối với biến chủng Alpha.

Nghiên cứu khác từ Scotland cũng đưa kết quả một liều vaccine Pfizer có hiệu lực giảm 91% tỷ lệ nhập viện sau 28-34 ngày tiêm chủng. Một liều AstraZeneca giúp giảm 88% tỷ lệ nhập viện sau cùng khoảng thời gian nói trên.

Trong khi đó, nghiên cứu từ Hàn Quốc chứng minh một liều Pfizer cung cấp hiệu lực 89,7% trong ngăn ngừa mắc Covid-19 ở người >60 tuổi, ít nhất sau 2 tuần tiêm chủng. Con số này ở AstraZeneca là 86%. Chúng cũng cho thấy hiệu quả ngừa lây nhiễm, nhập viện và tử vong.

Ngoài ra, các tài liệu mà FDA phê duyệt dựa trên cơ sở các hãng dược gửi lên cho thấy sau mũi 1 vaccine Covid-19, hiệu lực bảo vệ đạt được đáng kể. Cụ thể, với Pfizer, Moderna là ít nhất 80%, AstraZeneca hơn 77% và Johnson & Johnson khoảng 66%.

Theo ông Stephen Evans, dù mũi 1 đã có hiệu lực bảo vệ đáng kể, chúng ta vẫn cần tiêm đủ hai liều vaccine để có khả năng bảo vệ tốt hơn, chống lại các biến chủng mới.

Dữ liệu từ Cơ quan Y tế công cộng của Anh đăng ngày 23/5 cho thấy Pfizer và AstraZeneca hoạt động tốt hơn trước các biến chủng khi tiêm đủ 2 liều. Cả hai loại vaccine đều hiệu quả 30% ngăn Covid-19 có triệu chứng do biến chủng Delta gây ra, sau 3 tuần tiêm mũi đầu tiên.

Hiệu quả này tăng lên 60-80% sau hai tuần tiêm mũi thứ 2. Hai loại vaccine này có hiệu quả 50% giảm mắc Covid-19 triệu chứng với biến chủng Alpha sau 3 tuần tiêm mũi 1. Tỷ lệ này tăng lên 66-93% trong hai tuần sau liều thứ hai.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi được cấp thẻ xanh, dù đã tiêm 1 hay 2 liều vaccine Covid-19, người dân vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch. Bởi vaccine Covid-19 không thể giúp ngăn ngừa 100% nguy cơ lây nhiễm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-kien-cap-the-xanh-cho-nguoi-tiem-mot-mui-vaccine-o-cac-nuoc-post1265003.html