Điều kiện lựa chọn giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai bằng trọng tài

Luật Đất đai 2024 có quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai. Theo đó, từ ngày 1-8-2024, khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thi hành, trọng tài thương mại cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.

Đây là hình thức giải quyết tranh chấp có thủ tục đơn giản, nhanh gọn và phán quyết trọng tài được bảo đảm thi hành bằng pháp luật. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai, các bên liên quan đều có thể lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.

Cụ thể, khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai quy định rõ: "Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại". Theo quy định này, trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền thụ lý đối với tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.

 Luật Đất đai 2024 có quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn

Luật Đất đai 2024 có quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại: "Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác". Như vậy có thể hiểu rằng, hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là các hoạt động đầu tư, góp vốn đầu tư, buôn bán, kinh doanh bất động sản, tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng đất... nhằm mục tiêu lợi nhuận. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai có thể hiểu là những bất đồng giữa các bên hợp tác với nhau về quyền và nghĩa vụ trong quá trình tiến hành các hoạt động liên quan đến đất đai nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Ví dụ: Ông A và ông B thỏa thuận hùn vốn kinh doanh bất động sản nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Trong quá trình hợp tác, hai bên phát sinh tranh chấp thì có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thương mại.

Ông C được nhận thừa kế bất động sản, quyền sử dụng đất và phát sinh tranh chấp với các thành viên khác trong gia đình; ông D mua căn hộ chung cư để ở nhưng phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư, thì những tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.

Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai bằng con đường trọng tài thương mại thì phán quyết của trọng tài thương mại là phán quyết chung thẩm, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Nghĩa là phán quyết trọng tài là phán quyết cuối cùng và có giá trị ràng buộc nghĩa vụ thi hành với các bên liên quan. Phán quyết của trọng tài chỉ có thể bị tòa án tuyên hủy trong trường hợp tòa án nhận được đơn yêu cầu của một bên liên quan trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/dieu-kien-lua-chon-giai-quyet-tranh-chap-lien-quan-den-dat-dai-bang-trong-tai-789255