Điều kiện xét khen thưởng thành tích trong kháng chiến
Các cán bộ xã, thôn, xóm được khen thưởng phải là những người trong thời kỳ kháng chiến đã hoạt động thường xuyên, tích cực và liên tục đến ngày 20/7/1954, không phạm sai lầm lớn kể từ khi tham gia kháng chiến cho đến nay.
Bà Đỗ Tuyết Nhung (Hà Nội) đã gửi đơn tới UBND huyện để đề nghị khen thưởng với trường hợp bố của bà (đã chết) vì có thành tích trong kháng chiến chống Pháp. Trong hồ sơ đề nghị khen thưởng bà kê khai hoạt động của bố bà như sau:
Từ năm 1945-1948: Tham gia kháng chiến, là Trưởng Ban Liên Việt kiêm Trưởng đoàn Phụ lão thôn và lãnh đạo Đoàn Thanh niên; từ 1949-1952: Là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Minh Tân; từ 1953-20/7/1954: không có nội dung kê khai (thời gian từ 1952, do tình hình địch càn quét ráo riết, bố bà Nhung phải di tản vào huyện Mỹ Đức, sau đó mất liên lạc, đến đầu năm 1954 bố bà quay trở về địa phương).
Ngoài ra, gia đình bà thời kháng chiến là địa chủ kháng chiến, có công nuôi giấu cán bộ theo xác nhận của một số nhân chứng và UBND xã (kèm theo Báo cáo số 66/BC-UBND ngày 19/8/2019 của UBND xã).
Theo trả lời của UBND huyện, căn cứ Thông tư số 15-TTg ngày 12/1/1961 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, tại Mục III, điều kiện tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954 của quy định: "Tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954 nghĩa là thường xuyên đảm nhiệm những trách nhiệm nhất định không có thời gian bị gián đoạn";
Căn cứ Thông tư số 84-TTg ngày 22/8/1962 của Chính phủ về khen thưởng nhân dân có công trong kháng chiến, tại Khoản b Mục IV quy định: "Các cán bộ xã, thôn, xóm được khen thưởng phải là những người trong thời kỳ kháng chiến đã hoạt động thường xuyên, tích cực và liên tục đến ngày 20/7/1954, không phạm sai lầm lớn kể từ khi tham gia kháng chiến cho đến nay…";
Như vậy, khoảng thời gian từ năm 1952-20/7/1954 không có thông tin chính xác bố của bà Nhung ở đâu, làm công tác gì và tổ chức nào quản lý. Đối chiếu với quy định, chưa có căn cứ để khẳng định thời gian hoạt động kháng chiến của bố bà Nhung là liên tục đến ngày 20/7/1954 nên chưa đủ điều kiện để được khen thưởng.
Bà Nhung đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, UBND huyện trả lời bố bà không đủ điều kiện khen thưởng do hoạt động không liên tục đến ngày 20/7/1954 có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Bố của bà Nhung kê khai khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, trong đó thời gian tham gia kháng chiến được kê khai liên tục từ năm 1945 năm 1952; giai đoạn (từ năm 1953 đến 20/7/1954): không có nội dung kê khai.
Căn cứ các quy định:
- Thông tư số 15-TTg ngày 12/1/1961 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, tại Mục III quy định một trong 4 điều kiện khen thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến cho các đối tượng là: "Đã tham gia kháng chiến một cách tích cực và liên tục đến ngày 20/7/1954";
- Thông tư số 84-TTg ngày 22/8/1962 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành việc khen thưởng nhân dân có công trong kháng chiến, tại Điểm b Khoản 1 Mục VI quy định: "Các cán bộ xã, thôn, xóm được khen thưởng phải là những người trong thời kỳ kháng chiến đã hoạt động thường xuyên, tích cực và liên tục đến ngày 20/7/1954, không phạm sai lầm lớn kể từ khi tham gia kháng chiến cho đến nay…";
- Mục III Thông tư số 15-TTg quy định cụ thể về điều kiện tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954 là:
"1. Tích cực và liên tục công tác đến ngày 20/7/1954 nghĩa là thường xuyên đảm nhiệm những trách nhiệm nhất định không có thời gian bị gián đoạn. Đặc biệt những trường hợp dưới đây cũng được xét thưởng:
a. Cán bộ, công nhân, viên chức công tác thoát ly, cán bộ xã nằm trong diện được khen thưởng và thanh niên xung phong chuyên phục vụ kháng chiến được thôi công tác trước ngày 20/7/1954 vì bệnh tật, già yếu không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công tác;
b. Người thôi việc ở các trường hợp khác (như vì chấn chỉnh tổ chức cơ quan, không được bầu vào các chức vụ cũ nữa hoặc vì có sự phân công lại trong tổ chức) mà từ đó đến nay vẫn chấp hành đúng các chính sách và luật lệ của nhà nước, làm đầy đủ các nghĩa vụ công dân của mình.
c. Phụ nữ đã phải nghỉ công tác một thời gian không quá 18 tháng vì chửa đẻ, nuôi em bé. Tuy nhiên, những người ở trong 3 trường hợp trên đây chỉ được khen thưởng nếu tính đến ngày thôi việc hoặc thôi giữ các chức vụ trong diện được khen thưởng đã có đủ điều kiện để được khen thưởng như quy định trong điều lệ".
Như vậy, trường hợp bố của bà Nhung, thành tích kê khai khen thưởng kháng chiến chống Pháp có thời gian bị gián đoạn, nếu không chứng minh thuộc các trường hợp đặc biệt nêu trên thì không bảo đảm đủ điều kiện khen thưởng theo quy định pháp luật hiện hành.