Điều kỳ diệu
Điều kỳ diệu không phải lúc nào cũng cần sự lớn lao. Ở xưởng tranh Art For Arch (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), điều kỳ diệu được làm nên từ đôi tay của các học viên khiếm thính. Là người truyền cảm hứng, đôi tay của họa sỹ Huỳnh Công Thành (33 tuổi) giờ đây không chỉ để vẽ mà đã trở thành một ngôn ngữ để giao tiếp và gieo mầm kỳ diệu.
Cũng như bao họa sỹ trẻ đi lên từ “con số 0”, họa sỹ Huỳnh Công Thành có giai đoạn lượm nhặt từng khung tranh bỏ đi của người khác để tái sử dụng. Bản thân anh từng mắc chứng trầm cảm, ít giao tiếp. Khoảng 5 năm về trước, trong xưởng vẽ nhỏ nằm ở góc bếp của căn nhà cấp 4, họa sỹ Thành có cơ duyên gặp và trò chuyện với cô gái khiếm thính. Cũng từ đó, anh canh cánh về một không gian làm việc đủ rộng để vừa sáng tác, vừa trở thành điểm đến để ươm mầm tài năng cho những bạn khuyết tật. May mắn, nguyện vọng đó thành sự thật khi anh được Art For Arch đồng hành.
Có dịp đến thăm xưởng tranh, người ta sẽ cảm nhận được không gian sáng tác lặng im nhưng lại đầy sôi động tại đây. Sôi động bởi vô vàn những bức tranh mang nhiều phong cách khác nhau. Sôi động trong những nét vẽ đầy màu sắc và sôi động trong tâm hồn người nghệ sĩ. Ở đó đã, đang và sẽ có thêm nhiều điều kỳ diệu xảy ra, làm thay đổi số phận bao người.
Biết rõ ngôn ngữ giao tiếp là rào cản giữa thầy và trò, họa sỹ Thành cất công học tập, tìm hiểu học thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu tay) từ nhiều nguồn để tìm lấy sợi dây liên kết. Ban đầu việc trao đổi thông tin hai bên qua giấy viết tay kết hợp ký hiệu. Những thuật ngữ chuyên ngành hội họa không có trong từ điển của thủ ngữ sẽ được họa sỹ kiên trì giải thích, tự thống nhất xây dựng một từ điển riêng. Anh cũng dành nhiều thời gian trò chuyện lúc uống cà phê sáng. Đến bây giờ, thủ ngữ như ngôn ngữ thứ hai và giúp họa sỹ Thành dễ dàng truyền thụ kiến thức hội họa với học viên khiếm thính.
Đỗ Thị Nguyên Chánh, cô gái khiếm thính mất khoảng thời gian dài để tìm thấy chân ái và ý nghĩa cuộc sống khi đến với xưởng tranh. Chánh đã từng có một công việc ổn định để có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân. Đặc thù công việc, em phải thường trực nụ cười trên môi. Nhưng đằng sau đó, Chánh luôn đau đáu đi tìm bản ngã của mình. Có lẽ vì vậy mà dù nắng hay mưa, dù con đường từ nhà đến xưởng tranh xa hơn chục cây số vẫn không cản nổi đôi chân của Chánh. “Mình trưởng thành hơn sau thời gian học nghề tại xưởng tranh. Bây giờ ngoài thủ ngữ đang sử dụng, em có thể giao tiếp và truyền tải cảm xúc qua những nét vẽ. Cuộc sống từ đó cũng thú vị hơn”, Chánh chia sẻ.
Xem bức tranh “Mật mã thời gian” sáng tác từ chuyến thực tế tại Khu đền tháp Mỹ Sơn để thấy được tài năng của Chánh. Bức tranh vẽ tấm bia phủ màu rêu phong, khắc đầy ký tự Chăm xưa. Ở vết nứt của tấm bia là mờ ảo hình ảnh vũ nữ Apsara và tượng sư tử là hiện thân cho một thời vàng son của văn hóa Chăm. Cánh bướm với màu sắc tươi tắn trên bia là đại diện cho sự hồi sinh, tiếp nối nền văn hóa. “Có lẽ, rất nhiều khách du lịch đến Mỹ Sơn tham quan và chụp hình. Nhưng mấy ai hiểu hết được lịch sử, văn hóa tại đây. Còn đối với Chánh, em say mê tìm hiểu kiến thức để cảm nhận và thực sự đã gói gọn đầy đủ trong bức tranh theo cách riêng của mình”, anh Thành kể về quá trình Chánh thực hiện tác phẩm.
Vì độc đáo và mang chiều sâu nghệ thuật, bức tranh được lựa chọn để trưng bày tại tầng 2, nơi những tác phẩm độc bản và đặc sắc nhất từ xưởng vẽ. Ngoài bức vẽ này, Chánh cũng có nhiều tác phẩm khác được họa sỹ Thành đánh giá cao về ý tưởng. Nói về cô học trò, anh Thành tỏ ra ngạc nhiên về khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật hội họa. Mới 3 tháng luyện tập, em có thể tự cho ra tác phẩm hoàn chỉnh, điều mà người bình thường phải mất 1-2 năm. “Chánh không may trở thành người khiếm thính sau một biến cố hồi năm 4 tuổi. Vượt qua nỗi đau đó là một quá trình không phải ai cũng làm được. Có lẽ, khi ông trời lấy đi một cái gì đó thì cũng sẽ cho lại một điều gì đó khác biệt. Và với Chánh chính là tài năng nghệ thuật”, anh Thành tâm sự.
Ngoài Chánh, anh Thành còn hướng dẫn và giúp đỡ nhiều trường hợp khuyết tật khác. Bà Nguyễn Thị Giang Linh, mẹ của em Nguyễn Đình Ngọc Hân đã khóc khi tìm thấy nơi phù hợp và thấu hiểu con mình. Học vẽ tại xưởng tranh, Ngọc Hân đã tự tay hoàn thiện một tác phẩm hội họa. Điều mà trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến. Trước đây, Ngọc Hân trầm cảm và thụ động. Bản thân gia đình cũng không hiểu được em cần gì. Bây giờ, em dần chủ động và tự giác làm hết mọi công việc. “Vốn dĩ các em đã có khiếm khuyết nhưng gia đình cố gượng ép họ vào cuộc sống như những người bình thường khác. Tôi đã tâm sự với cha mẹ của các em và khuyên họ hãy mở cánh cửa khác cho con mình đi”, anh Thành nói.
Hội họa cũng là một liệu pháp để điều trị tâm lý, giúp các em vượt qua được mặc cảm của bản thân. Họa sỹ Huỳnh Công Thành luôn nhìn thấy sự lạc quan trong ánh mắt của các học viên. Với anh, gặp được các bạn là niềm vui và sự may mắn. Anh luôn thầm cảm ơn các bạn vì mang đến cảm xúc, tiếp thêm nghị lực phi thường để vươn lên trong nghề và truyền đam mê này đến nhiều người hơn.
MAI VINH
“Các bạn được học tập miễn phí, làm việc và nhận đãi ngộ như những nhân viên bình thường. Họa sỹ Thành và công ty chưa bao giờ nói với khách mua tranh về hoàn cảnh của các bạn. Mỗi tác phẩm được bán ra từ sự cảm thụ nghệ thuật chứ không vì yếu tố nào khác. Chỉ khi khách mua và muốn tìm hiểu về bức tranh, thông tin mới được chia sẻ” - Võ Thị Nhạn - phụ trách Kinh doanh Marketing của Công ty Art For Arch
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dieu-ky-dieu-post272523.html