Điều kỳ diệu của tình yêu

Tình yêu vốn là chủ đề không có khái niệm cụ thể nhưng luôn là một cảm xúc rất riêng mà bất cứ ai cũng từng chạm tới và ước mong nối dài. Dù bạn là ai, có một cơ thể, sức khỏe thế nào thì việc có một niềm tin vào tình yêu chính là động lực để sống tốt hơn, lan tỏa năng lượng tích cực hơn đến với mọi người. Có những người như là sự sắp đặt của duyên phận, họ gặp nhau và viết nên những câu chuyện cổ tích về tình yêu cùng nghị lực sống một cách phi thường và hoàn hảo.

“Vầng trăng khuyết” gặp nhau

Gặp và mến nhau qua một sân chơi âm nhạc của người khuyết tật, anh Hoàng Minh Hội và chị Đặng Thị Lụa ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp nên duyên vợ chồng sau hơn 1 năm tìm hiểu. Tình yêu đủ lớn, chị Lụa không ngần ngại rời quê hương Bạc Liêu, một thân, một mình lấy chồng tại vùng đất biên giới Bù Đốp. Sẽ không quá nhiều khó khăn nếu cả 2 là người bình thường, thế nhưng tình yêu của họ chỉ được cảm nhận qua giọng nói và đôi tay, bởi cả anh Hội và chị Lụa đều đã mất đi đôi mắt, di chứng của bệnh sốt phát ban từ nhỏ. Tình yêu đã se duyên, kết nối họ nên duyên vợ chồng và mang lại cho nhau một niềm tin mãnh liệt vào tương lai dù phải đối mặt với không ít khó khăn. 4 năm sau khi quyết định về chung một nhà, gia tài lớn nhất của anh Hội và chị Lụa là một người con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Đã quen với những thiệt thòi từ nhỏ, thế nhưng việc thiếu ánh sáng từ đôi mắt cũng làm cho cuộc sống sau hôn nhân của anh chị gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong chăm con. Thế nhưng với sự đồng cảm, chia sẻ, những khó khăn dần nhường bước, để họ tin tưởng vào cuộc sống ổn định hơn. Anh Hội chia sẻ: Đến với nhau là chúng tôi xác định những khó khăn phải gặp, cái gì chủ động được thì vẫn làm, còn những việc khó khăn quá thì cũng nhờ ba mẹ, hàng xóm. Mình không thể nhìn thấy, nhưng nghe tiếng vợ, con cười nói hằng ngày đã là hạnh phúc rồi.

Tình yêu đẹp như cổ tích của “vầng trăng khuyết” anh Hội và chị Lụa

Tình yêu đẹp như cổ tích của “vầng trăng khuyết” anh Hội và chị Lụa

Với người bình thường, ngoài tình yêu, trái tim dành cho nhau, họ còn ánh mắt để trao cho nhau yêu thương. Còn với người khiếm thị như tôi chỉ có lời nói hoặc cái nắm tay, hay hành động cũng khác người bình thường, chủ yếu dùng đôi tay và đôi tai để cảm nhận.

Chị Đặng Thị Lụa, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” - dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng, đó vẫn là câu ngạn ngữ, nhấn mạnh đến cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi người. Với anh Hội, chị Lụa, đôi mắt ấy dù ở khía cạnh nào vẫn đáng trân quý và nâng niu, như cách mà họ đang nhìn nhận cuộc đời bằng cả trái tim của mình.

Hoàn hảo trong khuyết tật

Đã có 10 năm chia ngọt, sẻ bùi với nhau, anh Phạm Văn Giang và chị Trần Thị Út Em ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài đều là những trường hợp rất đặc biệt. Anh Giang bị tật bẩm sinh ở tay phải, trong khi chị Em bị liệt cả đôi chân. Gặp nhau trong một trường dạy nghề dành cho người khuyết tật, sự đồng cảm là sợi dây yêu thương kết nối 2 người đến với nhau. Tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vững niềm tin để có thể đồng hành và vun đắp cho mái ấm nhỏ, viết nên câu chuyện cổ tích dành riêng cho mình. “Ban đầu biết mình muốn kết hôn với vợ, gia đình cũng có nhiều ý kiến, chủ yếu là sợ cuộc sống sau hôn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng bằng tình yêu chân thành, chúng tôi đã thuyết phục được 2 bên. Cuộc sống dẫu khó khăn, nhưng cũng đã gặt hái được những trái ngọt ban đầu” - anh Giang phấn khởi.

Công việc in ly nhựa, túi ni-lon giúp gia đình anh Giang, chị Em ổn định thêm cuộc sống

Công việc in ly nhựa, túi ni-lon giúp gia đình anh Giang, chị Em ổn định thêm cuộc sống

Để minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của mình, đồng thời vượt qua sự lo lắng của gia đình đôi bên, anh chị luôn giữ vững niềm tin, vun đắp gốc rễ cây tình yêu để hái những trái ngọt mát lành. Hai người con, Thiên Di năm nay 10 tuổi và Gia Phú hơn 2 tuổi, mạnh khỏe, lanh lợi như tiếp thêm động lực cho anh chị càng nỗ lực vươn lên. Để ổn định cuộc sống, hằng ngày chị Em nhận may gia công tại nhà và dành thời gian chăm con. Trong khi đó, với nghề đồ họa vi tính, anh Giang mở xưởng in ly nhựa, ly giấy, túi ni-lon cung cấp cho các tiệm cà phê, trà sữa. Thu nhập ổn định, kinh tế được cải thiện, con cái đuề huề, anh Giang, chị Em tự tin khẳng định, họ đã tìm đúng một nửa của đời mình. “Đối với người khác mình không biết thế nào nhưng với người khuyết tật như mình, ngoài tình yêu đó còn là sự tin tưởng, cảm thông cho nhau để cùng cố gắng hơn, lo và phấn đấu hơn trong cuộc sống, xã hội và cả trong tình cảm” - chị Út Em chia sẻ.

Cuộc sống vốn được ví như một bản nhạc, có nốt thăng - nốt trầm, có những khó khăn, thử thách thì cũng sẽ có những hạnh phúc ngọt ngào. Yêu một người bình thường vốn đã không dễ dàng, yêu và chung sống với người có khiếm khuyết về cơ thể lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, những chuyện tình đẹp như cổ tích của gia đình anh Giang, chị Em hay gia đình anh Hội, chị Lụa vẫn đang hiện diện giữa đời thường. Chứng kiến cách họ lựa chọn cuộc sống, mỗi người sẽ vững tin rằng: con đường đến tình yêu, hạnh phúc, chắc chắn ai cũng sẽ có lối đi riêng, nhưng chính sự gắn kết đã giúp những mảnh ghép không hoàn hảo trở thành một bức tranh quý giá riêng có. Trong bức tranh ấy, có gam màu tươi sáng của tình yêu, có sự chân thành của đôi lứa, sự đồng cảm, thấu hiểu của tình người và cả những kết quả ngọt ngào của một thế hệ con trẻ lớn lên.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130920/dieu-ky-dieu-cua-tinh-yeu