Điều kỳ diệu với cháu bé 18 tháng tuổi bị đứt rời bàn tay

Sau 17 ngày được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe của cháu bé 18 tháng tuổi bị máy cắt đứt rời bàn tay đã ổn định, bàn tay phải của em đã hồi sinh sau phẫu thuật. Cháu bé đã được xuất viện trở về nhà.

Sau 17 ngày phẫu thuật và điều trị, cháu N.M.A. đã được về nhà.

Sau 17 ngày phẫu thuật và điều trị, cháu N.M.A. đã được về nhà.

Vào ngày 30/9, sau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình- Thẩm mỹ (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) đã phẫu thuật nối thành công bàn tay phải bị đứt rời của một bệnh nhi N.M.A. 18 tháng tuổi ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bằng phương pháp vi phẫu.

12 ngày sau phẫu thuật, tinh thần, sức khỏe của bệnh nhi N.M.A. đã ổn định, ăn uống bình thường, cười nói, chơi đùa cùng các bác sĩ, điều dưỡng và người thân.

Trước đó, sự việc đáng tiếc xảy ra trong lúc đang chơi, em đã vô thức cho bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cắt đứt lìa.

Chị N., mẹ của bệnh nhi cho biết, khi nghe tin con phải vào viện cấp cứu, bàn tay đứt rời tôi thực sự sốc, chân tay bủn rủn, bối rối, lo lắng không biết phải làm gì. Nhìn thấy con khóc trong đau đớn mà thắt lòng, chỉ biết cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con.

Bác sĩ cao cấp Đồng Quang Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ, vì bệnh nhi ít tháng tuổi, lại bị đứt rời bàn tay nên ngay sau khi được chuyển tuyến cấp cứu lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa chuyên môn phải tập trung, phối hợp chặt chẽ quyết tâm cứu sống bàn tay cho cháu, đây là lương tâm, trách nhiệm, quyết tâm của đội ngũ thầy thuốc, cũng là nối dài tương lai của cháu. Vì thế, sau hội chẩn chuyên môn, ngay lập tức bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nối ghép bàn tay bằng phương pháp vi phẫu.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- Thẩm mỹ, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé cho biết: “Phẫu thuật nối liền bàn tay, bàn chân bị đứt rời nói riêng hay phẫu thuật các chi thể nói chung không hề dễ dàng, đối với trẻ nhỏ lại càng khó”.

“Việc đầu tiên phải kết hợp xương, rồi đến nối gân, nối thần kinh và nối mạch. Trường hợp bệnh nhi 18 tháng tuổi là ca bệnh hiếm, lại bị đứt lìa bàn tay, đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay, bó mạch thần kinh quay, trụ, thần kinh giữa và đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay nên mọi công đoạn phẫu thuật đều rất khó, nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh. Do đó, để thực hiện được ca phẫu thuật này, ngoài việc các bác sĩ, phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu và bàn tay thì công tác gây mê phải được bảo đảm”, bác sĩ Tùng chia sẻ thêm.

Trong suốt quá trình điều trị, cháu N.M.A. được các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chăm sóc tận tình.

Trong suốt quá trình điều trị, cháu N.M.A. được các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chăm sóc tận tình.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Lan, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, bất kỳ một cuộc gây mê nào cũng đều khó khăn và phức tạp, đặc biệt gây mê cho bệnh nhi là rất khó, vì trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, nên những nguy cơ về suy hô hấp, tuần hoàn, hạ thân nhiệt cao hơn so với người lớn.

Do đó, để thực hiện được việc gây mê an toàn trong suốt hơn 5 giờ đồng hồ đối với một bệnh nhi cần phải bảo đảm về phòng mổ chuyên biệt; trang thiết bị gây mê dành riêng cho trẻ em; đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng phải được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Cùng với đó, lựa chọn những loại thuốc (gây mê, giảm đau, giãn cơ) ít ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Như vậy, cuộc phẫu thuật mới được hiệu quả và an toàn.

Sau 12 ngày được theo dõi sát sao kết hợp chăm sóc, điều trị tích cực, bàn tay phải của em sau phẫu thuật đã sống, vết khâu nối đã liền, niêm mạc bàn tay hồng hào, không còn sưng, phù nề. Các ngón tay (đặc biệt là ngón giữa bị gẫy) đã có dấu hiệu gấp nhẹ.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- Thẩm mỹ cho biết thêm, thời gian tới, bệnh nhi sẽ tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng. Phương pháp này sẽ giúp cho cơ, gân sau nối được trơn trượt và các chức năng của bàn tay được hoạt động.

Nhìn con có thể cười, nói, bàn tay đang dần được hồi phục, chị N, mẹ bệnh nhi chia sẻ: “Sau ca phẫu thuật, được các bác sĩ thông báo khả năng phục hồi của con có thể đạt tới 100%, tôi mới thở phào nhẹ nhõm phần nào. Sau 17 ngày được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Phẫu thuật tạo hình-Thẩm mỹ chăm sóc tận tình, chu đáo, cháu đã được xuất viện trở về nhà trong niềm vui hân hoan của bố mẹ, ông bà nội, ngoại. Gia đình chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến tập thể cán bộ y tế trong khoa và Bệnh viện đã tận tình cứu chữa, chăm sóc cho cháu”.

Với thành công này, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục khẳng định được trình độ, chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị các ca bệnh khó, phức tạp, đặc biệt là đối với bệnh nhi.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dieu-ky-dieu-voi-chau-be-18-thang-tuoi-bi-dut-roi-ban-tay-post778072.html