Điều 'kỳ lạ' trong vụ Tân Hoàng Minh
Trong số hơn 6.600 nhà đầu tư được tòa triệu tập với tư cách người bị hại, có khoảng 1.500 người đồng loạt gửi đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông chủ của Tân Hoàng Minh.
Rút sạch tiền tiết kiệm đầu tư trái phiếu
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Đỗ Anh Dũng (SN 1961, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 14 đồng phạm để làm rõ cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản 8.600 tỷ đồng đang diễn ra với phần tranh tụng.
Hàng nghìn bị hại có mặt trong phiên tòa xét xử vụ Tân Hoàng Minh.
Điều "kỳ lạ" ở phiên tòa này là việc trong số hơn 6.600 nhà đầu tư (được tòa triệu tập với tư cách người bị hại vụ án), có khoảng 1.500 người đồng loạt gửi đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông chủ của Tân Hoàng Minh.
Từ hơn 5h ngày 19/3, từng nhóm bị hại lần lượt xếp hàng trước cổng tòa án để làm thủ tục tham gia tố tụng. Để tiếp đón, cơ quan chức năng phải dựng nhà rạp ngoài trời, đồng thời bố trí hơn 1.000 chỗ ngồi.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị L (SN 1965, ở Hà Nội) nói rằng, bản thân cũng nằm trong số hàng nghìn bị hại gửi đơn xin giảm án cho các bị cáo, chỉ vài ngày trước khi tòa khai mạc hôm qua (19/3).
Liên quan việc hàng nghìn bị hại đề nghị sớm nhận được quyền lợi, trao đổi với PV, TS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, trong quá trình tố tụng, nếu bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại thì người bị hại được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng.
Còn trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định của luật thi hành án dân sự.
Cũng theo luật sư, trong vụ án này, việc xử lý vật chứng được thực hiện theo Điều 106, Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, xử lý vật chứng do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, hoặc do viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố.
Theo quy định của pháp luật, khi bản án có hiệu lực pháp luật kết tội bị cáo thì khi đó bị cáo mới được xác định là người phạm tội, đồng thời mới có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật được ghi nhận trong bản án hình sự.
Từ sáng sớm 19/3, người phụ nữ trung niên tất tưởi thức dậy từ sớm. Chuẩn bị chút ít tư trang cá nhân, bà L lặn lội đón xe buýt từ huyện ngoại thành về trụ sở TAND TP Hà Nội để tham dự phiên sơ thẩm. Trong mớ giấy tờ dày cộm mà nữ bị hại này mang theo, ngoài các hồ sơ liên quan đến việc đầu tư còn có giấy triệu tập của tòa án. Trên đó, có nội dung ghi "số tiền đã mua hoặc đặt mua trái phiếu là 1 tỷ đồng".
Ăn vội chiếc bánh mỳ cho đỡ đói trước khi dành cả buổi sáng để theo dõi phiên tòa, bà L bảo, đây là toàn bộ khoản tiền mình dành dụm, vay mượn trước khi đầu tư. "Nếu theo thỏa thuận, tôi còn nhận được thêm khoảng 200 triệu tiền lãi, ngoài khoản gốc đó", bà L chia sẻ và bảo rằng, bản thân bà cũng như hàng trăm bị hại khác đều mong muốn sớm nhận được quyền lợi.
Lẫn trong dòng người làm thủ tục, bà Lê Thị H (SN 1963) kể, đã đón xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội từ chiều hôm trước để dự phiên tòa. Đầu tư 500 triệu đồng vào Tân Hoàng Minh, bà H chia sẻ đây là khoản tiền gửi tiết kiệm của mình.
"Tôi nghe người thân thuyết phục mua trái phiếu để có lãi suất cao nên quyết định rút tiền tiết kiệm ra mua trái phiếu", bị hại trình bày và bất ngờ khi trở thành bị hại của vụ án.
Theo bà H, việc đầu tư trái phiếu chỉ một mình bà biết, do trước đó, bà giấu nhẹm việc này không cho người nhà biết. Vì thế, bị hại mong sớm được nhận lại tiền để ổn định tâm lý trước khi về dưỡng già.
Trong khi đó, chị Trần Thị M (SN 1984) xuất hiện tại sân tòa án với lỉnh kỉnh đồ đạc. Người phụ nữ còn bế theo con trai gần 3 tuổi lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội để đòi quyền lợi. "Tôi có người bạn làm trong Tân Hoàng Minh nên rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu theo kỳ hạn, giờ chỉ mong sớm nhận được tiền", chị M bày tỏ.
Mất tiền vẫn xin khoan hồng cho bị cáo
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư mong mỏi được Tân Hoàng Minh trả thêm khoản tiền lãi ngoài con số gốc họ đã nộp. Như trường hợp của bị hại Phan Văn T, ông cho biết, mình đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư trái phiếu. Sau nhiều năm, gia đình rơi vào cảnh khó khăn nên rất mong Tân Hoàng Minh thanh toán cả tiền gốc kèm khoản lãi suất.
"Lãi suất gửi ngân hàng hai năm qua có lúc lên tới hơn 12%", ông T so sánh và mong tòa xem xét đề nghị này.
Hay như bị hại Nguyễn Văn Đ, bản thân từng bán căn nhà với giá tiền tỷ để nuôi con ăn học đại học. Khi người quen giới thiệu, ông quyết định bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh nhằm hưởng lãi suất cao hơn và an toàn hơn. Nay phải nuôi con ăn học đại học, bản thân lại mù cả hai mắt nên ông Đ rất mong hội đồng xét xử xem xét tuyên trả lại ngay tiền gốc để họ có khoản tiền trang trải cuộc sống khó khăn.
Còn bị hại Cao Thị M bày tỏ mong muốn hội đồng xét xử khoan hồng cho các bị cáo thuộc Tân Hoàng Minh, cho họ có cơ hội để sửa sai sau khi các bị cáo đã khắc phục hậu quả. "Việc ông Đỗ Anh Dũng nói chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, tôi ghi nhận điều này", bà M khai báo.
Lời hứa của ông chủ Tân Hoàng Minh
Trước những mong mỏi của hàng nghìn nhà đầu tư, trả lời trước tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng khẳng định, các khoản tiền lãi trong hợp đồng giữa tập đoàn này và các bị hại (nhà đầu tư) mà đến hạn trước thời điểm bị cáo bị bắt, bị cáo xin nhận trách nhiệm trả số tiền đó.
Chị Trần Thị M (SN 1984), một trong những bị hại, bế con nhỏ dự phiên tòa.
"Còn những khoản tiền lãi tính từ sau thời điểm tôi bị bắt, tôi tuân theo quyết định của hội đồng xét xử", bị cáo Đỗ Anh Dũng nói và thừa nhận đã khắc phục hơn 8.600 tỷ đồng và nộp thừa hơn 1 tỷ đồng.
Cũng theo lời khai của bị cáo Dũng, đây là vụ án hình sự về xâm phạm sở hữu, khi bị cáo bị bắt thì hợp đồng vô hiệu. Về bản chất, tất cả số tiền đó đang đưa vào kinh doanh và chưa phát sinh lợi nhuận, nên bị cáo phải thu hồi về. "Do đó, ở đây chỉ còn vấn đề về tinh thần tự nguyện và thái độ thiện chí của Tân Hoàng Minh", bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày.
Theo cáo buộc, sau khi mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng với Tân Hoàng Minh. Thông qua đó, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng số tiền gần 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi huy động tiền, các bị can chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Sau đó, Tân Hoàng Minh chi hơn 5.000 tỷ của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Bên cạnh đó, bị cáo Dũng dùng gần 2.000 tỷ để trả nợ ngân hàng và chi tiêu cá nhân khoảng 800 tỷ đồng. Trong số hơn 6.600 bị hại này, có trên 1.400 cá nhân đã gửi đơn xin tòa sơ thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Đỗ Anh Dũng.
Trong phần luận tội, ngoài đề nghị ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 9-10 năm tù, đại diện Viện Kiểm sát nhân Hà Nội đã đề xuất hướng giải quyết đối với số tiền hơn 8.640 tỷ đồng thu hồi từ ông Dũng và đồng phạm.
Theo viện kiểm sát, 15 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên họ phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại. Với khoản tiền hơn 8.640 tỷ đồng, viện kiểm sát đề nghị xử lý bồi thường cho các bị hại của vụ án.
"Các bị hại của Tân Hoàng Minh yêu cầu được nhận lại số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu, đây là tiền mà các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt nên có căn cứ chấp nhận", kiểm sát viên nêu quan điểm.
Còn với yêu cầu của bị hại về khoản tiền lãi, viện kiểm sát thấy Tân Hoàng Minh phát hành 9 gói trái phiếu để bán ra cho nhà đầu tư là trái quy định. Do đó, 9 gói trái phiếu phải bị hủy theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại đối với Tân Hoàng Minh là vô hiệu.