Diệu kỳ những mảnh ghép hồi sinh sự sống
Các bệnh viện của Việt Nam đã vươn lên làm chủ công nghệ phẫu thuật phức tạp, từ ghép giác mạc đến ghép tạng, đem lại hồi sinh cho nhiều người bệnh.
Thêm cơ hội sống cho người bệnh
Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) đã thực hiện thành công 2 ca ghép giác mạc phức tạp.
Theo đó, bệnh nhân nam tên B. (sinh năm 1974) bị chấn thương mắt trái cách đây 33 năm, để lại sẹo dày vùng trung tâm giác mạc, kèm theo đục thủy tinh thể, thị lực rất kém. Ghép giác mạc là giải pháp duy nhất, nhưng bệnh nhân đã phải chờ đợi rất nhiều năm mà không có nguồn giác mạc hiến.
Trường hợp còn lại là bệnh nhân nam tên H. (sinh năm 1955) bị viêm giác mạc nội mô từ nhiều năm nay, đã điều trị thuốc nhiều đợt nhưng không khỏi. Theo lời kể của bệnh nhân, trong suốt thời gian dài, mắt trái nhìn rất mờ, thường xuyên bị sưng đỏ, cộm, nhức, chảy nước mắt nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Gần đây, khi có người hiến giác mạc (bị chết não do tai nạn giao thông), Bệnh viện 108 đã khẩn trương đến lấy 2 giác mạc và tiến hành 2 ca mổ liên tiếp, ghép giác mạc kết hợp với phẫu thuật thủy tinh thể cho hai người bệnh. Kết quả tốt hơn cả mong đợi, cả 2 bệnh nhân ra viện sau ghép ngày thứ 5 trong niềm vui khôn xiết.
Theo TS-BS. Nguyễn Thế Hồng, người trực tiếp phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân, đây là các ca phẫu thuật phức tạp hơn so với thông thường vì phải phẫu thuật ghép giác mạc kết hợp với lấy thủy tinh thể đục, đặt thủy tinh thể nhân tạo. Tại Việt Nam, không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được thành công kỹ thuật tương tự.
Ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành y tế Việt Nam trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...
Ngoài việc ghép giác mạc, Bệnh viện 108 đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cho trẻ em ung thư đầu tiên tại Việt Nam. Đó là bé gái 18 tháng tuổi, bị u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi. Dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất, song khối u của bé gái vẫn phát triển nhanh. Để cứu sống cháu bé, chỉ còn cách ghép gan. Ngày 17/8/2021, ca ghép gan vô cùng phức tạp đã thành công, mang lại cuộc sống mới cho cháu bé.
Một thành tựu đặc biệt xuất sắc khác là trong chiều 30 Tết vừa qua, Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp với các chuyên gia về tim mạch Bệnh viện E, cùng GS-TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép phổi.
Bệnh nhân mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng của bệnh nhân rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đã thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế của Trung tâm ghép phổi UCSF (một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và uy tín nhất tại Mỹ). 12 giờ sau khi mổ, bệnh nhân đã tỉnh, tự thở được bằng 2 lá phổi mới. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, bệnh nhân đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho hay, ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sỹ, chuyên gia... Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh. Do vậy, trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển.
Một thành tựu khác của ghép tạng là vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người chết não trong vòng 24 giờ, mang lại sự sống cho 8 người. Đây là những ca đại phẫu thuật đòi hỏi sự tinh thông về chuyên môn và kỹ thuật, ngay cả đối với các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.
Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.
Khó khăn về nguồn tạng
PGS-TS. Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nêu thực tế, ở các nước phát triển, hơn 90% là tạng hiến từ người chết não hoặc người hiến chết tim, nhưng ở Việt Nam chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não, chết tim, còn lại hơn 90% từ người cho sống. Có nhiều vấn đề bất cập trong vận động người dân hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam.
Ngoài ra, những cán bộ y tế cũng chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến việc vận động gia đình người chết não hiến tạng. Việt Nam có hơn 1.500 cơ sở y tế, nhưng không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng để chẩn đoán nguy cơ chết não của người bệnh. Chúng ta cũng thiếu nguồn lực đầu tư cho y tế, có nhiều loại bệnh cần được ưu tiên, quan tâm hơn so với việc ghép mô, tạng. Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh người Việt vẫn quan niệm “chết phải toàn thây”, nên khi tuyên truyền về hiến tạng khi chết não, nhiều người dân còn băn khoăn.
“Trình độ ghép tạng, chăm sóc người ghép tạng của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Khó khăn nằm ở nguồn tạng hiến. Việc hiến tạng cứu người vẫn còn nhiều thách thức vì những rào cản của gia đình, của tâm lý”, ông Hệ nói.
Tham khảo mô hình vận động hiến tạng của Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, PGS-TS. Đồng Văn Hệ chia sẻ, tới đây, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người sẽ tổ chức các hội nghị truyền thông vận động người dân hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời.
Được biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản yêu cầu các bệnh viện phải có Hội đồng chẩn đoán chết não. Gần đây nhất, Bộ có văn bản gửi cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố phải có đầu mối báo cáo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về tình trạng bệnh nhân chết não tiềm năng và bệnh nhân chết não tại cơ sở y tế.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dieu-ky-nhung-manh-ghep-hoi-sinh-su-song-d209557.html