Điều lệ trường Tiểu học: Tạo điều kiện triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Thông tư 28 ban hành Điều lệ trường Tiểu học đã nhận được được sự quan tâm, ủng hộ và đồng tình của các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Bởi những quy định mới trong thông tư được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mới trong công tác dạy và học ở trường Tiểu học – cấp học nền tảng góp phần hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh. Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để làm rõ hơn những điểm thay đổi trong Điều lệ trường Tiểu học mới.
Một trong những thay đổi được đặc biệt chú ý trong Điều lệ trường Tiểu học mới là quy định “giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh”. Vì sao có sự thay đổi này và quy định mới liệu có gây khó khăn gì cho giáo viên, các nhà trường trong quản lý học sinh, thưa ông?
Việc thay đổi quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học mới nhằm khắc phục hạn chế của các hình thức kỷ luật trước đây, trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền lợi của người học, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý trẻ và quan điểm giáo dục hiện đại.
Theo đó, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật như: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Quy định mới này hoàn toàn không gây khó khăn cho giáo viên và các nhà trường trong quản lý học sinh. Ngược lại, sẽ giúp việc giáo dục học trò hiệu quả hơn khi khiến các em cảm thấy được tôn trọng, đảm bảo quyền riêng tư, không bị cảm giác xấu hổ với bạn bè. Trẻ khi đó sẽ thấy trường học là nơi an toàn và các em sẵn sàng mở lòng chia sẻ, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ.
Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, giáo viên có thể phối hợp với cha mẹ học sinh để việc giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm sẽ hiệu quả hơn.
Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới quy định cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển trí tuệ sớm được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Vậy thủ tục và quy trình để xem xét cho phép học sinh học vượt lớp như thế nào?
Kế thừa quy định trong Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học trước đây, Thông tư 28, khoản e Điều 35 tiếp tục cho phép “học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”. Tuy nhiên, Điều lệ trường Tiểu học mới đã bổ sung, cụ thể hóa quy trình, thủ tục xem xét việc học vượt lớp cho từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, để học sinh được học vượt lớp, trước hết cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh cần có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường sau đó sẽ thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.
Như vậy, việc học sinh có thể học vượt lớp hay không sẽ được một tập thể gồm đầy đủ những người có trách nhiệm quản lý, chuyên môn dạy học, chuyên môn về sức khỏe xem xét - đánh giá toàn diện để đảm bảo kết quả là chính xác, khách quan, công bằng nhất. Trên hết là vì quyền lợi và sự phát triển của từng học sinh.
Thời gian qua, câu chuyện về một số nhà trường “nhập nhèm” trong cung cấp sách giáo khoa kèm sách tham khảo khiến phụ huynh, học sinh bức xúc. Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học mới có đưa ra quy định gì để ngăn ngừa và xử lý vấn đề này, thưa ông?
Đầu tiên phải khẳng định rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm ban hành và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt các văn bản hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ngay trong Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học cũ, Điều 28 cũng quy định rõ: Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Nhất quán quan điểm này, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của học sinh, Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh thêm và cụ thể hóa một số yêu cầu nhằm đảm bảo việc thực hiện của các nhà trường được chính xác; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền được hiệu quả hơn.
Theo đó, trường Tiểu học sử dụng sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và được UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường. Giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa này vào các hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Cơ sở giáo dục Tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và phụ huynh được biết. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông.
Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết là “mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”.
Thông tư 28 đồng thời phân rõ trách nhiệm quản lí, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường Tiểu học là của Hiệu trưởng nhà trường Tiểu học. Như vậy, nếu có sai phạm trong việc trang bị, sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo ở cơ sở giáo dục Tiểu học, Hiệu trưởng sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Một trong những thay đổi lớn của Thông tư 28 so với văn bản trước đây là nhà trường, giáo viên được tăng cường giao quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn. Điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đến việc dạy và học trong nhà trường, thưa ông?
Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được viết theo hướng mở để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy. Chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần; sách giáo khoa không xây dựng các bài học theo từng tiết dạy với những yêu cầu cần đạt cho mỗi tiết học này như chương trình trước đây. Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục.
Cụ thể hóa chủ trương này, Thông tư 28 tập trung đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, tổ chức và tập thể nhà trường.
Trường Tiểu học được tự chủ chuyên môn trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà. Trường Tiểu học phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được xây dựng hằng năm, dựa trên chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; kết hợp với xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu của người học, nội dung giáo dục địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Các trường cũng có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.
Lãnh đạo các trường Tiểu học chủ động xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Trong đó, có thể xây dựng các phương án tổ chức dạy học khác nhau để chủ động trong mọi tình huống khi bị tác động bởi yếu tố khách quan.
Điều lệ trường Tiểu học mới cũng cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh.
Với các quy định nói trên, Thông tư 28 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trân trọng cảm ơn ông!