Điều lột tả sự 'tuyệt vọng' của ngành giáo dục Nhật Bản

Bộ Giáo dục Nhật Bản sẽ áp dụng chính sách xóa nợ sinh viên cho những người sẵn sàng trở thành giáo viên toàn thời gian tại các trường công lập hoặc tư thục.

 Nhật Bản sẽ xóa nợ sinh viên cho những người ứng tuyển làm giáo viên kể từ năm 2024. Ảnh: Kyodo News.

Nhật Bản sẽ xóa nợ sinh viên cho những người ứng tuyển làm giáo viên kể từ năm 2024. Ảnh: Kyodo News.

Asahi Shimbun đưa tin Bộ Giáo dục Nhật Bản sẽ miễn các khoản vay sinh viên cho những người trở thành giáo viên tại nước này.

Không riêng trường công lập, những người được tuyển dụng làm giáo viên toàn thời gian tại các trường tiểu học, THCS, THPT tư thục cũng sẽ được xóa nợ sinh viên. Lưu ý là các ứng viên phải hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên ở các trường cấp bằng sau đại học.

Trước đây, Nhật Bản cũng từng áp dụng chính sách miễn nợ sinh viên cho những người trở thành giáo viên. Nhưng từ cuối năm học 2004, chương trình này đã bị xóa bỏ.

Việc Nhật Bản "hồi sinh" chính sách xóa nợ cho giáo viên là minh chứng cho việc nước này đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng vì thiếu giáo viên trầm trọng.

Trong thời gian xây dựng chính sách xóa nợ, ngành giáo dục nước này cũng xem xét việc tăng phụ cấp cho giáo viên trường công vì giáo viên bất bình khi làm thêm giờ nhưng không được trả lương.

Về việc xóa nợ sinh viên cho giáo viên, vào ngày 19/3, Bộ Giáo dục đã tổ chức thảo luận về vấn đề này và biên soạn báo cáo tóm tắt. Dựa trên ý kiến đóng góp, bộ sẽ áp dụng chính sách miễn nợ hiện có cho những sinh viên tốt nghiệp với thành tích xuất sắc và được tuyển dụng làm giáo viên trong năm 2024.

Như vậy, chính sách xóa nợ sinh viên cho giáo viên sẽ được áp dụng khi năm học mới bắt đầu vào tháng 4.

Ngoài những người hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên sau đại học, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng có ý định tuyển dụng những người hoàn thành chương trình sau đại học khác, với điều kiện ứng viên phải có kinh nghiệm đào tạo thực tế liên quan giáo dục và đáp ứng một số yêu cầu khác do bộ đặt ra.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, số giáo viên hoàn thành chương trình sư phạm sau đại học - đang làm việc toàn thời gian tại các trường công lập, tư thục kể từ tháng 4/2023 - là 753 người.

Dự kiến từ năm 2024, bộ sẽ xóa nợ sinh viên cho 1.000 người/năm, bao gồm những người tốt nghiệp chương trình sư phạm sau đại học và những người tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ngành khác.

Còn với những giáo viên được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có giấy phép giảng dạy, bộ đang cân nhắc có nên áp dụng chương trình xóa nợ hay không vì các giáo viên có bằng cử nhân chiếm lượng lớn giáo viên toàn thời gian tại nước này, cụ thể là gần 15.000 giáo viên công lập các cấp.

Nhìn chung, bộ sẽ phải cân nhắc thêm phương án này để đảm bảo không gây ra sự mất cân bằng giữa các ngành nghề.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-lot-ta-su-tuyet-vong-cua-nganh-giao-duc-nhat-ban-post1471627.html