Điều mẹ chưa kể...
Đối với các con, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất khi luôn gánh vác mọi công việc trong gia đình. Nhưng đằng sau những nụ cười của mẹ luôn ẩn chứa những lo toan khó nói thành lời. Dù vậy, mẹ vẫn không nề hà mà luôn cố gắng để mang đến cho con cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ước mơ của mẹ… là con
Nhớ lại giai đoạn trước khi thoát nghèo, bà Bùi Thị Tám (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) rưng rưng nước mắt: “Gia đình từng rơi vào cảnh khó khăn, nhà cửa dột nát. Chồng tôi làm thuê, nhận nhiều việc cùng lúc để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Con gái tôi mắc hội chứng Down, dù 31 tuổi nhưng tâm trí như đứa trẻ lên 8, con trai út thì có triệu chứng trầm cảm. Đôi khi nhìn các con, tôi ứa nước mắt, thầm ước các con được khỏe mạnh như bao người”.
Bà kể, ngày trước chồng đi bộ đội, uống phải nước có nhiễm chất độc da cam nên không may ảnh hưởng đến con gái. Những năm đầu đời, con ốm liên miên và có triệu chứng kháng thuốc, nhiều lần bác sĩ dặn vợ chồng bà chuẩn bị tâm lý. Nhưng “còn nước còn tát”, mỗi tuần, bà và chồng đều đưa con đến bệnh viện thăm khám, chạy chữa. Kể từ đó, kinh tế gia đình dần eo hẹp.
Ban đầu, bà Tám đi làm thuê nhưng sau đó nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc con. Công việc hằng ngày của bà bắt đầu từ tờ mờ sáng. Sau khi cơm nước, giặt giũ, bà Tám hướng dẫn con gái cắt cỏ, làm vườn, nghe những câu chuyện ê a mà con gái vừa học lỏm từ đám nhóc trong xóm.
Khi được hỏi liệu có bao giờ muốn từ bỏ, ngừng cố gắng vì con, bà Tám khóc nấc, nói: “Chỉ khi nào con còn cố gắng thì tôi sẽ luôn đồng hành. Tôi chăm bẵm nó từ lúc đỏ hỏn đến giờ, chỉ mong con luôn bình an, hạnh phúc. Vậy là tôi mãn nguyện rồi!”.
Nằm sâu trong ấp Bàu Vuông, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường là ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị Lương Thị Kiều Dung. Hiện chị sống cùng 3 người con (2 gái, 1 trai), trong đó người con thứ hai mắc bệnh bại não và nằm liệt giường từ khi mới lọt lòng.
“Trước khi chồng mất, tôi và anh nuôi cá, trồng lúa để có tiền trang trải sinh hoạt, lo thuốc thang cho con nhưng tất cả đều thất bát. Năm 2009, biến cố ập đến, chồng qua đời do bạo bệnh. Từ đó, tôi “một nách ba con”, khổ chồng khổ” - nói đến đây, chị Kiều Dung thở dài, quệt nhanh nước mắt.
Thời điểm ấy, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, gồng gánh kinh tế gia đình và trả khoản nợ do nuôi trồng thua lỗ. Do con gái lớn không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều nhờ vào mẹ nên chị Dung không thể đi làm xa nhà. Nén nỗi đau mất chồng, con bệnh tật, chị quyết định làm lại từ đầu.
“Tôi được địa phương phổ biến dự án Nuôi heo giảm nghèo, hỗ trợ 70% vốn, thu hồi 30%. Từ 4 con heo giống ban đầu, hiện tại, tôi nuôi 7 con. Tiền bán heo, tôi để dành mua cám, số còn lại làm vốn xoay vòng, tích cóp từ từ và dần trả hết nợ” - chị Kiều Dung chia sẻ.
Cuộc sống gặp nhiều bất hạnh nhưng chị Kiều Dung vẫn nỗ lực, cố gắng từng ngày vì các con. Chăm sóc con gái mắc bệnh bại não suốt 30 năm ròng nhưng chị luôn lạc quan, tươi cười khi chia sẻ về con: “Thấy vậy chứ nói gì hiểu đó, đôi khi còn phản ứng lại nữa”.
Yêu thương bằng hành động
Có những yêu thương mẹ giấu kín, chưa một lần tỏ bày nhưng hành động nào cũng chất chứa tình cảm. Những mâm cơm ấm nóng, những bộ quần áo là lượt thẳng tắp, những câu dặn dò ăn uống đủ đầy,... thay cho câu “Mẹ yêu con” được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nhiều lúc vì khoảng cách thế hệ mà con cái lại có những bất đồng với bậc sinh thành nhưng rồi con cũng nhận ra, những hy sinh của mẹ, dù thầm lặng nhưng đáng trân quý.
“Tôi thuộc thế hệ gen Z nên nhiều lúc có bất đồng quan điểm với mẹ và khó tránh những cuộc tranh luận. Nhưng tôi biết mẹ luôn mong tôi hạnh phúc. Mỗi khi thấy mẹ làm lụng vất vả, mồ hôi lấm tấm, tôi thương vô cùng” là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hương Nhi (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành).
Mẹ chị Hương Nhi bươn chải từ năm 21 tuổi, hiện tại đã ngoài 50 và vẫn cố gắng lao động với công việc nhập, bỏ sỉ thanh long.Làm thương lái nên mẹ của chị Hương Nhi vừa có tinh thần “thép”, vừa mềm mỏng, thấu hiểu tâm lý khách hàng. Áp lực công việc nhưng chưa bao giờ mẹ chị thôi cố gắng.
Khi được hỏi ước mơ của mẹ chị là gì, chị Hương Nhi trầm ngâm rồi đáp lời chúng tôi: “Ước mơ của mẹ là chị gái và tôi. Bao nhiêu vốn liếng về mặt tinh thần, vật chất, mẹ đều dồn vào hai người con gái".
“Dù công việc vất vả, mẹ vẫn bươn chải kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Hiện tại, ngoài công việc bán thời gian cho cửa hàng cà phê, tôi đang học thêm tiếng Anh để hoàn tất thủ tục, hồ sơ đi làm việc tại New Zealand. Tôi mong tương lai sẽ kiếm được nhiều tiền để có thể tặng mẹ những món quà giá trị và nhìn thấy nụ cười của mẹ nhiều hơn” - chị Hương Nhi bộc bạch. Giờ đây, chị chỉ mong mỗi ngày đều có thể bên cạnh mẹ, cùng mẹ vượt mọi gian khó trong cuộc sống.
Những người mẹ đều mong con có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Dù cuộc đời còn nhiều gian nan, vất vả, mẹ vẫn có thể thầm lặng hy sinh tất cả để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con.
Mỗi người mẹ cũng từng có ước mơ riêng nhưng giờ đây, ước mơ lớn nhất của mẹ là nuôi dạy con thành người./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dieu-me-chua-ke--a184310.html