'Điều muốn nói' và 'Dậy thì Giêng'- cặp song sinh thơ đặc sắc
Cả hai tập thơ 'Điều muốn nói' và 'Dậy thì Giêng' của tác giả Đỗ Ngọc Yên đều có lối diễn tả khác biệt. Nghệ thuật sử dụng thể thơ, cấu tứ và lối thể hiện tâm trạng, tình cảm của tác giả đều là những cung bậc riêng có, ấn tượng.
Chơi với anh hàng chục năm nhưng chẳng thấy anh đọc thơ, ngâm thơ (kể cả lúc tửu nhập), tôi chỉ biết anh là “thánh soi” vì chuyên nghề lý luận phê bình. Giờ thì anh bỗ bã rút túi ra đưa cho tôi:
- Tao chỉ tặng chú thôi nhá. Hai tập thơ, cặp song sinh rút ruột chính hiệu nhà tao đấy. Đọc thử xem sao…
Tôi nâng niu đón hai đứa con tinh thần của anh. Lật giở từng trang bìa (Văn Sáng vẽ) và đọc những cái tựa trên đó, tôi thấy tác giả Đỗ Ngọc Yên bộc bạch:
“Ở tuổi thất thập, lần đầu tiên tôi quyết định “sinh đôi”. Một trai, một gái. Trai là tập thơ thế sự có tên “Điều muốn nói”. Gái là tập thơ tình có tên “Dậy thì Giêng”. Có người bảo tôi “liều”. Vâng. Có người bảo tôi “dại”. Vâng. Với tôi liều hay dại, thắng hay thua, thành hay bại… âu cũng chỉ là cuộc chơi, hay đúng hơn là một hành trình dấn thân đầy nghiệt ngã nhưng thực sự thú vị”.
Anh đã nói vậy thì còn gì để nói hay viết nữa, đúng là kín kẽ như nhà lý luận. Và tôi làm theo anh mách đúng như phong cách sống của mình đi tìm cái thú vị của sự dấn thân anh đã trải nửa thế kỷ qua.
Tôi đọc hai tập thơ từ bìa chính, bìa lót, cả tranh ảnh, mục lục đến nội dung thơ. Và cứ từ từ nhẩn nha hàng tháng trời, vừa đọc vừa ngẫm 37 bài thơ thế sự mà anh “muốn nói” và 45 bài thơ trong “Dậy thì Giêng”.
Tôi ngẫm ngay cái chuyện “dậy thì” của nhà thơ thất thập. Cái cớ xuân sang hoa bưởi bung trắng tràn phố thị: “Tháng Giêng hoa bưởi ngập tràn/ trắng bung ngát hương phố thị/ đất trời cũng đành hanh thế/ mới Giêng, Hai đã dậy thì” và rồi cái tâm lý của đứa trẻ mới lớn được nhà thơ chia sẻ: “Em chưa kịp lớn trách gì/ lúc nào seo phì chẳng thích/ nhìn đời toàn nheo một mắt/ ai khuyên chỉ biết cười khì. Bỗng dưng khóc cười sằng sặc/ như người đang cơn nhập đồng… đất trời đảo điên nào biết/ giống nòi suy kiệt ai đau?”.
Vẫn biết tuổi trẻ là mùa xuân cuộc đời, một năm bắt đầu từ mùa xuân và với Đỗ Ngọc Yên còn cụ thể hơn, Giêng, Hai là dậy thì của một năm, muốn lớn, muốn nên người ai không qua cái tuổi dậy thì?
Trong sắc xuân, cái duyên tình luôn làm bao con tim rung động “Lây phây mưa rắc phố/ áo trắng em bụi mờ/ bàn chân ai như ngỡ/ lạc bước vào miền mơ. Một ánh nhìn ngu ngơ/ ai đánh rơi cuối phố/ ta thấy mình cắc cớ/ vỡ òa/ trời/ đầy xuân” (Xuân).
Chớm nở một tình yêu, một lời ước hẹn biết bao thử thách, là trải nghiệm vùng rẻo cao hiếm thấy trong thơ tình: “Em chờ tôi ở cuối con đường/ mây giăng bay/ mắt xè cay/ chân không thể bước/ chú ngựa Mông quay đầu/ ngược/ bảo tôi - cuối con đường lần đầu tiên tôi gặp/ em trao nụ hôn/ và bảo/ vẫn đợi tôi ở cuối con đường” - (Em đợi tôi ở cuối con đường).
Trong “Dậy thì Giêng”, nhà thơ còn thể hiện rất nhiều sắc thái tình cảm ở nhiều không gian, thời gian bốn mùa khác nhau và đều chứa đựng những cung bậc tình yêu, những tâm sự sâu lắng. Không chỉ tình yêu đôi lứa, thơ anh rung động bởi tình mẫu tử, thiên nhiên bốn mùa, tình yêu quê hương, đất Việt…
Với tập thơ “Điều muốn nói”, tôi tìm đọc từ bài “Cái bản mặt tôi” xem anh phác họa: “Húng hắng tháng Sáu nắng mưa/ quăng trăng hạ huyền đỉnh núi/ toác trời tiếng chim rạch vội/ trễ nải bên thềm gió nam" và rồi quá nửa đời người, anh cười vào mặt mình ngạo nghễ: "Cầm lấy cái bản mặt tôi/ đem ra chợ phiên rao bán/ hỏi người lắc đầu ngao ngán/ không mua hàng ế mang về”.
Cái riêng là vậy, tình anh với cha, với mẹ, với chị và cả người già cô đơn trên phố, người con gái lẻ loi nơi Đại Lải… đều ẩn chứa bóng dáng cuộc đời, là sự lam lũ trong thâm sâu và sự thật lối sống thực dụng: “Ngày những lo nào gạo, nào mỳ/ người khuyên tôi bớt đi phần thơ mộng/ người khuyên tôi phải đổi thay lẽ sống/ dạ hương ơi cây muốn nói điều gì?” (Dạ hương).
Sâu sắc, thấm thía hơn cả là lời tâm sự với mẹ nơi cõi vĩnh hằng: “Trời cao, còn mẹ ngắn lời/ thôi đành ngậm miệng nuốt trôi tủi hờn/ già rồi, mẹ những cậy con/ con đành bất hiếu, mẹ còn cậy ai” (Nhớ mẹ chiều nay).
Cả hai tập thơ của Đỗ Ngọc Yên có lối diễn tả hình ảnh thơ khác biệt làm nên nét riêng sáng tạo. Nghệ thuật sử dụng thể thơ, cách cấu tứ và lối thể hiện tâm trạng, tình cảm tác giả đều là những cung bậc riêng có, ấn tượng. “Độ chín” của thơ Đỗ Ngọc Yên vì thế đã có ngay trong những tập thơ “đầu tay” này.
Cảnh Mạnh