Điều nên tránh để hôn nhân không tan vỡ
Nhiều người không mấy mặn mà với việc chuyện trò vì mặc định những câu nói bông đùa hàng ngày hoặc thiếu chia sẻ không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hôn nhân.
Trò chuyện cởi mở giữa vợ chồng là nền tảng của mọi cuộc hôn nhân lâu dài và bền chặt. Vấn đề là một số người không giỏi việc đó, theo Marriage.
Thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng phải kể lể với đối tác về cảm xúc, những điều vụn vặt trong một ngày, quá khứ, hy vọng và nỗi sợ hãi về tương lai.
3 kiểu giao tiếp nâng cao chất lượng hôn nhân
Bằng lời nói: Ai cũng muốn được khen ngợi, được nghe đối phương giãi bày, tâm tình. Sử dụng lời nói là cách trực tiếp và hiệu quả để bày tỏ cảm xúc với vợ/chồng của mình.
Nếu yêu đối phương bằng cả trái tim, nhưng không thể bộc bạch ra hết, người kia có thể sẽ không bao giờ hiểu họ được yêu sâu đậm như thế nào. Chia sẻ trực tiếp là chìa khóa cho một mối quan hệ lâu dài.
Ở chiều ngược lại, nếu liên tục cảm thấy không hài lòng, thiếu tôn trọng, thậm chí thấy bực bội, khó chịu nhưng lại chọn cách im bặt sẽ chỉ khiến chuyện tình yêu của hai người đi vào ngõ cụt.
Không thể ôm khư khư nỗi buồn hay mọi điều phiền não, cách tốt nhất mọi người nên bộc bạch với đối tác một cách khéo léo và ấm áp, đừng đợi đến khi quá muộn để nói ra điều gì đó.
Giao tiếp phi ngôn ngữ: Khi nói về tầm quan trọng của giao tiếp trong hôn nhân, chúng ta không thể xem nhẹ giao tiếp phi ngôn ngữ.
Hãy sử dụng khéo léo ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với đối tác. Không bắt chéo chân. Không khoanh tay. Không thờ ơ. 3 “không” giúp nửa kia tin rằng bạn đã sẵn sàng lắng nghe và giải quyết vấn đề của họ.
Hành động: Nếu muốn thể hiện sự quan tâm đến người ấy, hãy thử bắt tay vào nấu bữa tối, mua đồ tạp hóa, đổ rác hoặc tránh chế biến những đồ ăn khiến vợ bầu khó chịu. Tưởng chừng như chỉ là hành động nhỏ nhưng cũng đủ khiến bạn đời cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu và tôn trọng.
Thể hiện tình yêu bằng hành động là một cách hay cho những người hướng nội, không giỏi giao tiếp bằng lời nói.
10 lý do giao tiếp quan trọng
Giao tiếp là nền tảng của một cuộc hôn nhân lành mạnh. Nhưng chất lượng của những cuộc trò chuyện mới là vấn đề cần bàn, chứ không phải lượng thời gian hai người dành để nói chuyện với nhau. Đây là lý do:
Tránh hiểu lầm
Những cuộc trò chuyện chân thành giữa vợ chồng có thể giúp đôi bên tránh được những hiểu lầm không đáng có. Chia sẻ quan điểm, quá khứ, mong muốn và khúc mắc sẽ giúp hai người càng thêm hiểu nhau hơn.
Ngoài ra, giao tiếp trong hôn nhân là chiến lược tốt nhất để gỡ rối mọi băn khoăn. Bằng cách giải thích và thoải mái, hai người có thể ngăn mọi điều tiêu cực làm tổn hại đến mối quan hệ.
Tôn trọng, thấu hiểu
Mỗi người đều có trong mình một khoảng lặng, nếu nửa kia sẵn sàng mở lòng, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và quá khứ chắc chắn họ đã rất tin tưởng.
Nếu nghiêm túc bộc bạch những thử thách và đau khổ mà bản thân đã vượt qua, nửa kia sẽ có thể tôn trọng nỗ lực và sức chịu đựng của chúng ta.
Xây dựng niềm tin
Niềm tin đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào vì đó là sợi dây gắn kết, tin tưởng và kết nối thực sự giữa hai người.
Một người luôn lạc quan, thoải mái chuyện trò sẽ khiến con người ta cảm thấy dễ dàng tin tưởng hơn.
Giao tiếp liên tục và thường xuyên có thể giúp nâng cao chất lượng hôn nhân. Vì vậy, hãy tìm hiểu nhau bằng cách giao tiếp trực diện, thông qua tín hiệu hoặc cử chỉ.
Đừng phỏng đoán
“Anh ấy có thích điều này không? Cô ấy có ý gì khi nói vậy? Liệu người kia có đang giận dỗi?". Luôn đoán già đoán non về một vấn đề gì đó sẽ chỉ khiến chúng ta trở nên mơ hồ, thiếu quyết đoán.
Thay vào đó, cố gắng cải thiện khả năng giao tiếp sẽ giúp đôi bên tránh lãng phí thời gian, công sức và cảm thấy sự an tâm khi cố gắng đoán xem người bạn đời của mình muốn gì.
Tiết kiệm thời gian
Giao tiếp trong hôn nhân là một cách hiệu quả, giúp cả hai tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu hai người luôn có thái độ cứng nhắc, không muốn cùng vợ/chồng tháo gỡ khúc mắc, điều đó sẽ chỉ đẩy mối quan hệ đến bên bờ vực thẳm.
Thay vì lãng phí thời gian tranh giành những điều tầm thường, mỗi người có thể nói chuyện với bạn đời về những điều khiến mình phiền lòng và lý do đằng sau điều này.
Thấu hiểu bản thân
Song hành giao tiếp và hôn nhân sẽ là những sự kết hợp ăn ý giúp nâng cao mối quan hệ trăm năm. Giao tiếp trong hôn nhân có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cảm giác của mình và những điều quan trọng trong cuộc sống.
Thấu hiểu người khác không phải là điều dễ dàng. Ngoài gỡ rối cho đối tác, giao tiếp có thể giúp hiểu rõ hơn về bản thân mình.
Nâng cao sự hài lòng
Giao tiếp có thể giúp chúng ta cảm thấy được kết nối và cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ của mình. Đối phương sẽ chẳng ngại trở thành người bạn tâm tình hay chuyên gia tư vấn nếu ta sẵn sàng nói chuyện.
Cùng nhau phát triển
Các cặp vợ chồng có thể sẽ càng xa cách theo thời gian hoặc cùng nhau phát triển. Nếu muốn cùng nhau gắn bó lâu dài, thường xuyên giao tiếp là điều bắt buộc.
Thông qua những cuộc trò chuyện chân thành, ta có thể yêu những khía cạnh mới của đối phương cũng như lấp đầy những khiếm khuyết của họ.
Khám phá điều mới
Những cuộc trò chuyện là cơ hội giúp các cặp đôi tiếp tục khám phá những điều mới của nhau. Cho dù thân thiết với nửa kia đến mức nào, sẽ luôn có những chi tiết nhỏ mà ta chưa thể tường tận và hiểu rõ.
Lợi ích sức khỏe
Một mối quan hệ lành mạnh diễn ra chỉ khi hai người luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu. Ngoài ra, thường xuyên nói với đối tác về các vấn đề và mong muốn có thể làm giảm căng thẳng, giúp sắp xếp cảm xúc của mình và không lo lắng về tương lai.
Người tinh tế sẽ cần biết cân bằng giữa giao tiếp bằng lời nói, phi ngôn ngữ và hành động để khiến bạn đời cảm thấy họ có ý nghĩa như thế nào khi thời gian trôi qua.
Nói với nửa kia những điều ta yêu thích ở họ, nhưng cũng đừng ngại nêu lên ý kiến nếu có điều gì đó khiến bản thân phiền lòng. Đó là những chìa khóa mở ra một cuộc hôn nhân viên mãn, dài lâu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-nen-tranh-de-hon-nhan-khong-tan-vo-post1409329.html