Điều tiết nguồn nước tưới dưỡng cho lúa xuân

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 30.000 ha lúa. Tuy nhiên, sản xuất vụ xuân đang đối mặt với tình trạng khô hạn, do đó, việc điều tiết, ổn định nguồn nước tưới dưỡng đang là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.

Cán bộ Ban quản lý thủy lợi An Khang kiểm tra trạm bơm nước phục vụ tưới dưỡng lúa xuân.

Cán bộ Ban quản lý thủy lợi An Khang kiểm tra trạm bơm nước phục vụ tưới dưỡng lúa xuân.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, từ nay đến tháng 5, thời tiết sẽ ít mưa, trên sông Lô, sông Gâm dự báo mực nước có thể xuống rất thấp, nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số khu vực. Thời tiết khô hạn trùng với thời điểm lúa xuân mới cấy bước vào thời kỳ hồi xanh, đẻ nhánh rộ nên rất cần nguồn nước tưới dưỡng.

Sau hơn 1 tháng gieo cấy, thời điểm này bà con nông dân xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) bắt tay vào bón phân, chăm sóc lần 1 cho lúa xuân. Ông Phạm Văn Lộc, thôn Bờ Sông, xã Vĩnh Lợi cho biết, giờ mới đón được nước về tưới dưỡng nên gia đình tranh thủ dặm tỉa, bón phân, sục bùn và làm cỏ cho lúa. Nhờ vậy, cây lúa hồi nhanh, đẻ nhánh rộ.

Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi, toàn xã có 120 ha lúa, trong đó có 40 ha phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Lô. Tuy nhiên, những năm gần đây, mực nước sông xuống thấp, 2 củ máy bơm công suất 30 KW/giờ của trạm bị treo cao không thể bơm tưới nên nhiều diện tích lúa bị thiếu nước sau cấy. Bắt đầu từ ngày 28-2 đến nay, hồ thủy điện Tuyên Quang xả nước bổ sung, mực nước sông dâng cao, trạm mới bơm được nước về để tưới dưỡng đợt 1 cho lúa và người dân mới gieo cấy nốt 2 ha lúa tại thôn Hồ Sen. Ông Ngân lo ngại nếu hồ thủy điện Tuyên Quang không tiếp tục xả nước và thời tiết chưa mưa trở lại, việc điều tiết nước tưới dưỡng và chăm sóc lúa xuân lần 2 của xã còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Tuấn Duyên, thủy nông viên xã Thái Hòa (Hàm Yên) điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Anh Nguyễn Tuấn Duyên, thủy nông viên xã Thái Hòa (Hàm Yên) điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), trận mưa lớn ngày 2-3 vừa qua gây ra thiệt hại song cũng mang về nguồn nước quý giá tưới cho cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân. Ông Nguyễn Tuấn Duyên, thủy nông viên cho rằng, nguồn nước này chỉ giải “cơn khát” tạm thời cho diện tích lúa xuân trên địa bàn. Nguồn nước tưới cho lúa vụ xuân ở xã phụ thuộc vào việc điều tiết của hồ thủy điện Tuyên Quang.

Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh khẳng định, việc thiếu nước tưới dưỡng cho lúa xảy ra cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt là các địa phương nằm dọc theo sông Lô, có ít hồ chứa hoặc hồ chứa nhỏ, dung tích thiết kế ít. Còn tại các địa phương có hồ chứa lớn sau khi xả phục vụ làm đất gieo cấy lúa lượng nước vẫn cơ bản đủ để tưới dưỡng. Nói như vậy, không hẳn các địa phương có hồ chứa lớn chủ quan không tiết kiệm nước tưới dưỡng, bởi diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, khả năng thiếu hụt nguồn nước tự nhiên rất lớn. Do đó, ông Khương đề nghị Ban quản lý các công trình thủy lợi cơ sở tiết kiệm, điều tiết hợp lý nguồn nước tưới trong lúc chờ mưa.

Trước thực trạng thiếu nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân, bắt đầu từ ngày 28-2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất thực hiện các đợt xả nước bổ sung từ hồ thủy điện Tuyên Quang. Các ban quản lý cơ sở tranh thủ tối đa thời gian xả, thực hiện bơm nước tích trữ vào các hồ chứa, kênh mương máng, giữ ổn định nguồn nước để tưới cho cây trồng từ nay cho đến hết tháng 3, khi thời tiết có mưa trở lại.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/dieu-tiet-nguon-nuoc-tuoi-duong-cho-lua-xuan-129804.html