Điều tối cần thiết để doanh nghiệp Việt xâm nhập thị trường phòng sạch quốc tế
Đầu tư R&D trong lĩnh vực phòng sạch của Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Nếu các doanh nghiệp Việt đầu tư bài bản, chú trọng vào yếu tố 'chất xám', thì việc vươn ra thị trường quốc tế mới khả thi.
Cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE), Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay, thị trường phòng sạch trên thế giới tăng trưởng liên tục để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế tạo linh kiện điện tử (trong đó có sản xuất chip), công nghệ nano, thiết bị chính xác, công nghiệp hàng không - vũ trụ, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp dược, y tế (phòng mổ, phòng điều trị tích cực…), công nghệ sinh học (nghiên cứu virus, tế bào...), công nghệ thực phẩm,...
Theo các báo cáo đánh giá quốc tế, ước tính doanh số thị trường phòng sạch toàn cầu đạt khoảng 3,2-5 tỷ USD vào năm 2024, giữ mức tăng trưởng 5%/năm, không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Ở Việt Nam, việc đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng như tập đoàn kinh tế lớn trong nước vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện và thiết bị điện tử, sản xuất dược phẩm - đặc biệt là định hướng của Chính phủ về tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip - dẫn đến sự gia tăng rất lớn về nhu cầu phòng sạch những năm tới.
Trước kia, phần lớn thị trường thiết bị phòng sạch của Việt Nam đều do các hãng nước ngoài cung cấp. Đây là lĩnh vực phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ cao như: Điều hòa không khí chính xác, công nghệ lọc bụi và khử khuẩn ở cấp độ nano, cơ khí chính xác và tự động hóa, vi điện tử...
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhà thầu lắp đặt, một số doanh nghiệp cung cấp thêm giải pháp thiết kế, tư vấn.
Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện các doanh nghiệp nội địa cung cấp giải pháp và thiết bị phòng sạch trọn gói. Điển hình như Intech Group - đơn vị đi đầu trong đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) phòng sạch. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã nghiên cứu và chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới theo tiêu chuẩn NEBB Hoa Kỳ - sự kiện được Bộ Khoa học & Công nghệ đánh giá là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ của năm.
Uy tín và thương hiệu phòng sạch Intech đạt đẳng cấp quốc tế, do người Việt làm chủ tại thị trường Việt, bắt đầu được khẳng định. Do sản xuất, lắp ráp nội địa nên thiết bị có giá thành hợp lý và dễ dàng bảo trì, sửa chữa nâng cấp hơn thiết bị ngoại nhập. Đây là lợi thế cạnh tranh đáng chú ý.
"Xu hướng tăng trưởng nhanh về công nghiệp điện tử - bán dẫn cũng như công nghiệp dược phẩm kết hợp với nhu cầu của những lĩnh vực truyền thống dẫn tới sự tăng trưởng mạnh của thị trường phòng sạch Việt Nam. Những lợi thế về khoảng cách, chi phí R&D và sản xuất tích hợp thấp hơn nước ngoài, thời gian cung cấp thiết bị nhanh hơn,... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vươn lên chiếm lĩnh thị trường phòng sạch nội địa", PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng phân tích.
Các chuyên gia dự đoán, thị trường phòng sạch tại Việt Nam có sự tham gia của ngày càng đa dạng đơn vị cung ứng, tư vấn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khi phòng sạch ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng, thậm chí không thể thiếu trong nhà máy sản xuất công nghệ cao. Trong khi đó, hoạt động của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phòng sạch vẫn rất nhỏ lẻ, rời rạc.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ “ngoại” có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và con người, nếu doanh nghiệp Việt không hợp tác, liên kết với nhau để gia tăng sức mạnh thì nguy cơ thua "trên sân nhà" vẫn có thể xảy ra.
Cần đầu tư bài bản, ưu tiên yếu tố con người
So sánh mức độ đầu tư R&D cho lĩnh vực phòng sạch của các tổ chức, doanh nghiệp Việt với khu vực và thế giới, ông Dũng thẳng thắn thừa nhận: Phòng sạch vẫn là lĩnh vực công nghệ cao mới mẻ ở Việt Nam.
Đầu tư R&D trong lĩnh vực này của Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Tuy nhiên, với thị trường nội địa giàu tiềm năng, hy vọng sẽ có những doanh nghiệp thành công trên "sân nhà" rồi vươn ra quốc tế, tương tự như trong lĩnh vực sản xuất thiết bị trao đổi nhiệt hay lò hơi công nghiệp.
“Phòng sạch là lĩnh vực công nghệ cao, nếu các doanh nghiệp nội địa đầu tư bài bản, chú trọng vào yếu tố 'chất xám', năng lực con người, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao thì việc vươn ra thị trường quốc tế, trước mắt là khu vực Nam Á và Đông Nam Á như một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh đã làm được, là hoàn toàn khả thi”, Phó Chủ tịch VISRAE nhận định.
Một vấn đề gây quan ngại, đó là mặt trái của công nghệ phòng sạch khi tiêu thụ điện cao và phát thải khí nhà kính rất lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố chính khiến việc tiêu thụ điện của lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2016-2030, đạt khoảng 30% tổng sản lượng điện thương phẩm trên thế giới.
Theo lãnh đạo VISRAE, để đảm bảo hướng tới giảm phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) quy về CO2 đạt mức “0”, cần thay đổi công nghệ về thiết bị, hướng tới các giải pháp sử dụng môi chất lạnh thân thiện hơn, nâng cao hiệu suất năng lượng của hệ thống, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với trữ nhiệt và trữ lạnh.
Song ở khía cạnh khác, khi phòng sạch vẫn là công nghệ mới ở Việt Nam, đây lại là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư thẳng vào công nghệ mới mà không phải tính tới yếu tố khấu hao công nghệ hiện có, ông lưu ý.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Phòng sạch là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp. Vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực này không đơn giản, cần làm từng bước bài bản và lâu dài. Trong đó, ngoài việc dám đầu tư mạo hiểm, yếu tố con người phải được chuẩn bị trước tiên".
Mặt khác, trong lĩnh vực R&D phòng sạch, cần có sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp xây dựng phòng thí nghiệm để tăng cường khả năng làm chủ công nghệ, từ đó nghiên cứu sáng tạo nhiều công nghệ trong lĩnh vực quan trọng và nhiều tiềm năng này.
“Theo tôi, các doanh nghiệp phòng sạch nên liên kết trao đổi, có sự thỏa thuận nhất định, không nên cạnh tranh lẫn nhau về mặt bằng giá dẫn tới việc cung cấp thiết bị có chất lượng không tốt”, ông Dũng khuyến nghị.
Theo báo cáo của Exactitude Consultancy, thị trường công nghệ phòng sạch dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5%, đạt trên 7,9 tỷ USD vào năm 2029.
Những lo ngại ngày càng tăng về việc siết chặt các quy định liên quan tới đóng gói, sản xuất và giao các mặt hàng chất lượng cao sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường công nghệ phòng sạch. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phát triển công nghệ và việc mở rộng danh mục sản phẩm của nhiều công ty chính trong lĩnh vực công nghệ cao này.