Điều tối kỵ khi lau dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa dịp Tết Giáp Thìn

Theo phong tục tập quán của người Việt từ xưa, vào mỗi dịp cuối năm, mọi người thường lau dọn bàn thờ Thần Tài với mong muốn dọn dẹp những điều không may của năm cũ.

Trong văn hóa tín ngưỡng Đông phương, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải của gia chủ. Còn Ông Địa hay còn được gọi là Thổ Công, là một vị thần trông coi những mảnh đất mà nơi ông được thờ cúng. Bởi vậy, việc thờ cúng cũng như lau dọn bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa là rất quan trọng.

Vì thế, vào mỗi dịp cận Tết, mọi người thường hay lau dọn bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa với mong muốn đón chào những điều may mắn cho năm mới.

Các bước lau dọn bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa giúp thu hút tài lộc trong năm mới:

Chuẩn bị vật dụng

Chuẩn bị nước: Thông thường mọi người sẽ chuẩn bị rượu trắng, rượu gừng hoặc nước bưởi để lau dọn bàn thờ. Tuyệt đối không được sử dụng nước thường để lau dọn.

Khăn sạch: Nên sử dụng khăn mới, sạch, tuyệt đối không sử dụng khăn đã lau qua những đồ dùng khác.

Thắp hương xin được dọn dẹp

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng, gia chủ cần thắp hương lên bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa và đọc bài khấn để xin phép được lau dọn.

Cách lau dọn bàn thờ

Sau khi nhang tàn, gia chủ bắt đầu lau dọn bàn thờ. Tuy nhiên, nên lưu ý là tuyệt đối không di chuyển bát hương.

Đầu tiên, gia chủ cần chuẩn bị một cái bàn lớn phủ vải hoặc giấy đỏ rồi lần lượt đưa đồ thờ cúng xuống và đặt lên chiếc bàn này (tượng ông Thần Tài, ông Địa, bài vị, chén nước, hũ muối, hũ gạo,…) đúng theo thứ tự.

Sau đó, dùng khăn sạch đã ngâm trước đó lau bàn thờ, tàn nhang, bụi, mạng nhện, rồi dùng khăn sạch để lau khô. Tuyệt đối không để đồ cúng ra đất.

Kế đến là dọn dẹp, thay tro lư hương. Gia chủ phải rửa sạch tay với nước rượu, nước bưởi. Dùng một tay giữ, tay còn lại gạt hết tàn nhang trên bát hương ra tránh việc lỡ tay xê dịch bát hương.

Sau đó, nhẹ nhàng rút từng chân nhang ra, không được rút cả nắm, chừa lại số chân nhang theo số lẻ, không nên rút hết (5 chân nhang tượng trưng ngũ hành tề tụ, bát hương khác thì để 3 chân hương tượng trưng sinh tài).

Cuối cùng, dùng thìa sạch múc từng nắm tro, giữ lại 1/3 lượng tro cũ trong bát. Những chân nhang cũ đã rút ra có thể mang đi đốt. Sau đó, dùng khăn sạch đã ngâm rượu lau sạch bát hương rồi thêm tro mới vào bát.

Vệ sinh tượng thờ Thần Tài - Thổ Địa

Dùng khăn riêng, thấm nước rượu, nước bưởi lau sạch bụi bẩn bám trên tượng, sau đó dùng khăn sạch lau khô.

Sau khi đã lau dọn bàn thờ hoàn chỉnh, đặt lần lượt các đồ cúng lên bàn thờ như vị trí ban đầu. Thay nước, hũ muối, gạo mới. Cuối cùng khấn xin, thỉnh các thần về, báo cáo đã dọn dẹp xong.

Thờ Thần Tài - Thổ Địa được rất nhiều chủ hộ kinh doanh, những người buôn bán thực hiện. Đây cũng là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ xưa. Lễ cúng Thần Tài - Ông Địa được thực hiện quanh năm nhưng đặc biệt nhất là vào ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch).

Phương Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-lau-don-ban-tho-than-tai-tho-dia-giup-thu-hut-tai-loc-nam-moi-post1458118.html