Điều tra: 'Công trường sa tặc' trong rừng ở Bình Thuận - Bài 1: Xe ồ ạt chở hàng ngàn khối cát về bãi xuyên Tết
Trong những ngày nghỉ Tết, hoạt động hút cát trái phép ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vẫn diễn ra rầm rộ như một công trường.
LTS: Nhiều người ngỡ ngàng khi những mảnh đất đang canh tác, trồng tràm của mình ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận bỗng nhiên biến thành những cái ao khổng lồ vì bị hàng chục máy xúc, xe ben, máy đào đến đào lấy cát.
Việc lấy cát rầm rộ như hợp pháp nhưng thực chất đây là hành vi đào trộm, khai thác trái phép và để “công trường sa tặc” này hoạt động ngày đêm, xuyên Tết thì quanh “công trường” này có nhiều người cảnh giới.
Những ngày cận và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi hầu hết công ty, xí nghiệp và cơ sở kinh doanh nghỉ Tết thì “công trường sa tặc” ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, Bình Thuận vẫn rầm rập khai thác.
Những máy hút cát di động trong “công trường”
Từ phản ánh của người dân, chiều 7-2 (tức ngày 28 Tết), chúng tôi về huyện Hàm Tân tìm đến “công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Ch (ngụ xã Sơn Mỹ), người đang khai thác cát tại đây.
Qua địa phận thị xã La Gi, chúng tôi đi theo Quốc lộ 55 về hướng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khi đến địa bàn huyện Hàm Tân, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục bãi cát nằm ven quốc lộ này.
“Công trường” loang lổ giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn. Nằm rải rác trong “công trường” này là hàng chục máy cuốc, máy đào, máy xúc lật, xe ben loại bốn chân và hàng chục máy cày tấp nập khai thác.
Tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM cho thấy ngoài bốn máy cày và hai xe ben của mình, còn lại ông Ch huy động hàng chục phương tiện khác hút cát cho mình.
Theo đó, ông Ch huy động hơn 10 máy cày của những người là bạn bè, người thân của ông ở thôn 3, xã Sơn Mỹ (trong đó có hai người anh của ông Ch) đến “công trường” tham gia hút cát gia công cho ông.
Hút và kéo cát về bãi cho ông Ch là những máy cày cỡ lớn được trang bị máy hút, máy bơm trên xe và kéo theo rơmoóc, có thể chở hàng chục tấn cát chạy trong địa hình lún, lầy lội.
Ông Ch đến các thửa đất của những chủ đất ở xa không có người trông coi, cho xe máy ủi gạt lớp đất mặt khoảng 20 cm rồi cho máy cuốc đào một hố nhỏ để nước chảy ra.
Từ hố đó, máy cày chỉ việc thọc vòi xuống hút cát lên thùng. Sau 20 phút bơm hút, cát đầy ắp thùng và kéo về đổ xuống bãi của ông Ch. Mỗi chuyến, máy cày hút lên thùng khoảng 6 m3 cát.
Riêng ông Ch, mỗi ngày dùng bốn máy cày và hai xe ben vào bãi, dùng xe xúc và xe cuốc múc đất đổ thẳng lên xe ben và máy cày kéo về bãi.
Cận cảnh “công trường sa tặc”
Ngày 7-2 (tức ngày 28 Tết), trong khu vực rộng hàng trăm hecta ở xã Sơn Mỹ, “công trường” của ông Ch và những chân rết của mình vẫn hoạt động rầm rộ.
Cụ thể, nằm xen kẽ trong những vườn tràm là thửa đất rộng hàng chục hecta của một người tên Hoàng và một người tên Quế đều ngụ tỉnh Bình Dương.
Nhiều máy cuốc cạp tảng cát dày từ thửa đất đã được ủi lớp mặt rồi tiếp tục múc đảo để cát tơi ra, sau đó múc vun thành từng đống để máy xúc đưa cát lên khoảng 10 máy cày. Từ đây, hàng ngàn khối cát trắng tinh được chở về bãi tập kết của ông Ch nằm cách đó khoảng 500 m.
Nghi lén bán cát kiểu hạ cốt nền
Theo một cán bộ địa chính xã Sơn Mỹ, việc ông Ch hút cát ở khu vực này ai cũng biết. Tuy nhiên ở những thửa đất có chủ là người Bình Dương, cán bộ địa chính này nghi ngờ người dân thông đồng, lén bán lớp cát trong vườn cho ông Ch.
Cụ thể, do không thể kiểm soát hết đất của mình và thường bị ông Ch trộm cát nên nhiều người đành bán kiểu hạ cốt nền để ông trùm này đào lấy lớp cát trên mặt. Giá hiện tại của việc hạ cốt nền nói trên dao động 300-500 triệu đồng/ha.
Ngoài những vị trí cao, có lớp cát trên mặt, những người hút cát còn dùng máy cày trang bị máy bơm, vòi hút đến hàng chục hầm cát đã được bóc lớp cát trên mặt.
Hình ảnh chúng tôi ghi lại cho thấy tại hàng chục hầm cát trong khu vực này của ông Ch, những người hút cát bơi xuống hầm rồi thọc vòi bơm để hút cát lên thẳng máy cày. Số cát hút từ hầm lên có màu đỏ quạch, được máy cày kéo về tập kết ở bãi chờ xe ben đến chở đi tiêu thụ.
Phục vụ cho việc chứa hàng chục ngàn khối cát múc, bơm trộm hằng ngày là những bãi cát nằm rải rác trong khu vực vườn của ông Ch. Bãi chứa cát này rộng hơn 20 ha, cũng chính là nơi trước đây ông Ch từng hút cát để bán.
Trong khu vực này, ông Ch dành một bãi trung tâm để chứa cát do bốn máy cày và hai xe ben của mình hút cát kéo về.
Xung quanh khu vực này, ông Ch bố trí khoảng 10 bãi tập kết khác nhau để các nhóm có máy cày hút cát gia công cho ông Ch kéo về đổ vào đó.
Theo một người từng khai thác cát thuê, ông Ch chia khu vực này thành nhiều bãi chứa, mỗi bãi rộng khoảng 5.000 m2 để từng nhóm riêng đổ cát khi hút trộm về.
Tại bãi tập kết, để qua mặt dư luận, ông Ch cho máy đào từng hố sâu hàng chục mét như những cái ao để chứa cát.
Hằng ngày các nhóm này dùng máy cày đi bơm hút rồi kéo về đổ vào đó. Khi nào xe ben cỡ lớn đến lấy cát chở đi tiêu thụ thì ông Ch sẽ tính tiền với người đó. “Không phải ai cũng được hút cát mà tất cả đều là người có “máu mặt” ở địa phương” - người này nói thêm.
Cũng theo người này, mỗi ngày một máy cày hút và kéo về bãi cho ông Ch 6-7 chuyến. Ông Ch trả cho chủ máy cày 150.000-170.000 đồng/m3 cát, tương đương cả triệu đồng mỗi chuyến hút trộm.
Ngày 11-2 (tức mùng 2 Tết), chúng tôi tiếp tục ghi hình cảnh nhộn nhịp như không có Tết trong bãi cát của ông Ch. Từ chiều mùng 2 Tết, hàng chục máy cày, máy đào, máy xúc lật hoạt động rầm rập để lấy cát từ các mảnh vườn rồi chở về đổ xuống các bãi.
Khi máy cày đổ xuống, cùng lúc này máy gạt ủi, máy xúc lật san gạt những đống cát xuống hố sâu.
Cứ như thế, hàng ngàn khối cát được ông Ch thu gom ngay trong những ngày Tết.•
Kỳ sau: Chủ đất tá hỏa vì vườn thành ao hồ
(Những người trộm cát cho người đắp chặn các suối có nguồn nước chảy trên địa bàn xã Sơn Mỹ rồi dùng máy hút công suất lớn để bơm hút).
Đã từng xảy ra việc đào đất trộm cát của người dân
Tháng 7-2019, ông Lê Đính (ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) bị Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Bảo Anh, có trụ sở tại thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng đào trộm hơn 40.000 m3 cát và phá hủy toàn bộ 2 ha bạch đàn ba năm tuổi.
Mặc dù ông Đính đứng tên trên sổ hồng và bắt quả tang việc Công ty Bảo Anh cho xe cuốc, xe ben, máy đào đến thửa đất nông nghiệp của ông múc cát lên xe ben chở đi tiêu thụ nhưng sau hơn ba năm tố cáo, khiếu kiện khắp nơi, ngày 31-12-2021, Công an huyện Hàm Tân, Bình Thuận đã kết luận không khởi tố vụ án sự vụ nói trên.
Ông Đính cho biết việc Công ty Bảo Anh đem máy móc, thiết bị cơ giới vào múc trộm cát và phá hủy 2 ha bạch đàn ba năm tuổi trên thửa đất của ông nhưng người đại điện doanh nghiệp này vẫn bình an vô sự đã tạo tiền lệ cho việc múc trộm cát vô tội vạ này.