Điều tra dân tộc thiểu số năm 2024: Tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng
Từ ngày 1/7 đến 15/8/2024, cuộc điều tra và thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) trên phạm vi toàn quốc đã được tiến hành. Tại Bình Thuận, công tác này đang tập trung để đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Thu thập thông tin thuận lợi
Huyện Hàm Thuận Bắc đã được chọn làm điểm Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (điều tra KT-XH 53 DTTS). Cuộc điều tra tại đây bao gồm 24 địa bàn được chọn mẫu thuộc 8 xã và thị trấn như La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến, Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Hòa, Thuận Minh và Ma Lâm. Tổng số hộ chọn mẫu điều tra là 770 hộ, số xã chọn điều tra phiếu xã là 8 xã, thị trấn với sự tham gia của 23 điều tra viên và 8 tổ trưởng.
Trước khi thực hiện điều tra, Cục Thống kê tỉnh và Chi Cục Thống kê huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp làm việc với lãnh đạo các xã và điều tra viên để nắm vững địa bàn, tình hình KT-XH và những thông tin cơ bản về đời sống của các hộ DTTS. Qua đó, giúp xác định được những thuận lợi và khó khăn, từ đó có cách tiếp cận phù hợp. Ngay sau lễ ra quân tại xã Đông Tiến, các điều tra viên cùng đoàn giám sát của Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh đã trực tiếp xuống hộ dân để thu thập thông tin. Các điều tra viên sử dụng thiết bị điện thoại thông minh trực tiếp đến tận hộ để thu thập các thông tin về: nhân khẩu; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ… Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, người dân hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của cuộc điều tra, từ đó phối hợp chặt chẽ với các điều tra viên, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Anh K’ Văn Chiều, một điều tra viên tại xã Đông Giang, chia sẻ: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tôi đã tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do cơ quan thống kê tổ chức. Qua tập huấn, tôi nắm chắc mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra, đồng thời được trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ và sử dụng thành thạo phần mềm CAPI để thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, là người dân địa phương tôi nắm được một phần đời sống của bà con nên việc thu thập thông tin tại địa bàn diễn ra thuận lợi”.
Đến ngày 24/7, các điều tra viên ở huyện Hàm Thuận Bắc hoàn thành thu thập thông tin của 535/770 hộ chọn mẫu, đạt 69,5%. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: “Nguồn thông tin từ cuộc điều tra rất quan trọng, giúp các cấp từ Trung ương đến cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân DTTS”.
Đảm bảo tiến độ điều tra
Theo Cục Thống kê tỉnh, Điều tra KT - XH DTTS năm 2024 là năm thứ 3 thực hiện điều tra này (2 lần trước đó là vào các năm 2015 và 2019). Cuộc điều tra này nhằm cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số... Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như của tỉnh trong điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS; đồng thời phục vụ cho các địa phương trong công tác dân tộc.
Đặc biệt, năm 2024 là mốc quan trọng để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030... Tại Bình Thuận, cuộc điều tra được tiến hành tại 7 huyện với 45 xã và 163 địa bàn, huy động 126 điều tra viên, 45 tổ trưởng, 13 giám sát viên cấp tỉnh và 26 giám sát viên cấp huyện.
Về tiến độ điều tra, thống kê tính đến ngày 24/7, các điều tra viên đã thu thập thông tin phiếu hộ của 4.639/5.825 hộ, đạt 79,67%; phiếu điều tra xã đạt 31,11%. Theo Cục Thống kê tỉnh, việc thu thập thông tin tại hộ rất quan trọng, là vấn đề quyết định chất lượng thông tin. Vì vậy, Cục Thống kê tỉnh phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức giám sát thường xuyên, nhất là những ngày đầu tiên của cuộc điều tra để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho điều tra viên thu thập thông tin một cách chính xác. Sau khi giám sát thì các tổ giám sát viên của tỉnh, huyện, thị, thành phố đều tổ chức họp rút kinh nghiệm nhằm triển khai thực hiện cuộc điều tra đạt kết quả và chất lượng tốt nhất, đảm bảo thời gian theo quy định.