Điều tra Google, Amazon, Facebook, Apple vì cáo buộc độc quyền
Ngày 13-9, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ gửi thư yêu cầu các hãng Google, Amazon, Facebook và Apple cung cấp thông tin chi tiết về mảng kinh doanh nội bộ của công ty.
Theo báo The Guardian, yêu cầu này nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra về cáo buộc độc quyền của các tập đoàn công nghệ lớn này do chính phủ Mỹ thực hiện hồi tháng 7-2019.
Nghi vấn được đặt ra là liệu quy mô và sự kiểm soát của các hãng này có đang gây tổn hại đến cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng hay không.
Được biết bức thư nói trên đề cập cả những nhân vật đình đám của làng công nghệ, như ông Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon), Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple), Mark Zuckerberg (nhà đồng sáng lập Facebook) cùng rất nhiều các tên tuổi lớn khác của Thung lũng Silicon.
Ủy ban Tư pháp yêu cầu báo cáo về tài chính, thông tin về đối thủ cạnh tranh, thị phần, các hoạt động sáp nhập cùng các quyết định kinh doanh quan trọng phải được gửi trước ngày 14-10.
Những công ty này cho biết sẽ hợp tác hoàn toàn trong toàn bộ quá trình điều tra.
Cũng trong tuần qua, một nhóm gồm 50 tổng chưởng lý của 48 bang ở Mỹ cũng tuyên bố mở một cuộc điều tra lớn đối với Google dưới cùng cáo buộc.
Các giám đốc điều hành của Amazon, Apple, Facebook và Google đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 7-2019. Ông David Cicilline, người đứng đầu tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cho rằng họ trả lời một cách “thoái thác hoặc lạc đề" trong buổi điều trần này.
Cuộc điều tra nói trên là một sản phẩm hiếm hoi của sự hợp tác đa đảng trong chính trường Mỹ.
Trước đó, cả Google và Facebook đều đã bị Liên minh châu Âu phạt tiền với lý do cạnh tranh không lành mạnh.
Cuộc tranh luận về việc có nên hay không nên để chính phủ can thiệp và điều chỉnh các tập đoàn công nghệ lớn là một vấn đề kinh tế - chính trị phức tạp và không có câu trả lời rõ ràng.
Tuy nhiên, dù thay đổi ra sao, người tiêu dùng sẽ là phía nhận tác động trực tiếp.
Luật Chống độc quyền tại Mỹ là một đạo luật duy trì thị trường bằng cách quy định hành vi kinh doanh, giúp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nhằm đề cao lợi ích người tiêu dùng. Trong lịch sử, đạo luật này đã góp phần duy trì cạnh tranh công bằng trên thị trường công nghệ của các nền kinh tế lớn Mỹ và châu Âu.