Điều tra phòng vệ thương mại gia tăng: Doanh nghiệp cần làm gì để biến 'nguy' thành 'cơ'?

Để biến 'nguy' thành 'cơ' từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại phải có các biện pháp phòng tránh từ sớm, từ xa, nâng cao năng lực ứng phó cho doanh nghiệp.

Số vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng tăng 2,5 lần

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.

Cục Phòng vệ thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp xử lý 10 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, số vụ việc mới khởi xướng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng. Ảnh: TTXVN

Số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Báo Công Thương về số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là xu thế tất yếu gắn với hệ quả của quá trình đẩy nhanh tự do hóa thương mại của Việt Nam với thế giới và cả xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau trong những năm gần đây, thể hiện rõ nét nhất khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Phong, mặcdù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác đó là năng lực ứng phó của doanh nghiệp. Trong đó, hiện không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng, thiếu thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt...

Đánh giá về năng lực ứng phó các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law - nêu quan điểm, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số khó khăn khi ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đó là sự hiểu biết về các quy định về pháp luật phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu là chưa nhiều. Mặt khác, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế trong khi để theo đuổi một vụ việc chi phí bỏ ra là rất lớn để thuê chuyên gia, luật sư nhằm tiến hành giải trình cho các cơ quan chức năng của nước sở tại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Điều này đồng nghĩa, hàng hóa xuất khẩu sẽ đối diện nhiều hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại, trong đó có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu khuyến nghị, hoạt động chống bán phá giá cũng như kiểm soát phòng vệ thương mại sẽ là xu hướng trong thời gian tới và nó phụ thuộc vào nước nhập khẩu bởi đây là quy định cho phép của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các cam kết thương mại. Như vậy, "thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa và tham gia vào sân chơi kinh tế toàn cầu là rất lớn nếu như không có sự phòng tránh từ sớm, từ xa" - ông Phong khuyến cáo.

Hỗ trợ doanh nghiệp biến "nguy" thành "cơ"

Để biến "nguy" thành "cơ" từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý đối với công cụ phòng vệ thương mại; công khai thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, tập hợp số liệu chính thức thuộc kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam... để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần tăng cường ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Một điểm đáng chú ý, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong một số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các quy trình, thủ tục rất phức tạp, kéo dài và đòi hỏi phải có sự hợp tác; trong đó có vai trò của hiệp hội, ngành nghề rất quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội cần phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan (cho sản phẩm liên quan).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, tham gia vào sân chơi chung của thế giới với những điều khoản rõ ràng và càng lúc càng ngặt nghèo hơn. Bởi vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau, dựa trên yếu tố nền tảng chính là việc tạo dựng doanh nghiệp mạnh nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng, cũng như lợi ích sát sườn của bản thân doanh nghiệp...

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai có hệ thống các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến để tạo thuận lợi cho tất các các bên liên quan trong việc nộp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra phòng vệ thương mại cũng như tiếp cận các thông tin công khai trong quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 316/QĐ-TTg về xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và Quyết định 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại, Cục đã tổ chức và tham gia 17 hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn tại các địa phương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Cục Phòng vệ thương mại cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục xử lý các vụ việc điều tra đã diễn ra từ những năm trước. Một số vụ việc đã có kết quả tích cực như các doanh nghiệp Việt Nam có mức thuế thấp hoặc chứng minh được sản phẩm xuất khẩu không thuộc phạm vi của các lệnh áp thuế hiện hành, từ đó giữ vững được thị trường xuất khẩu.

Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, công tác cảnh báo sớm các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và công tác nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-gia-tang-doanh-nghiep-can-lam-gi-de-bien-nguy-thanh-co-337280.html