Điều tra thép cán nguội, không tăng thuế thép cán nóng

Gần như trong cùng một thời điểm, thép cán nhập khẩu chịu hai quyết định của các cơ quan quản lý trái ngược nhau: thép cuộn cán nóng chưa phải tăng thuế nhập khẩu còn thép cuộn cán nguội chịu quyết định điều tra chống bán phá giá.

 Sản phẩm thép cuộn cán nguội trong nước sản xuất. Ảnh:TL

Sản phẩm thép cuộn cán nguội trong nước sản xuất. Ảnh:TL

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 mới nhất của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã bỏ việc tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) với thép cuộn cán nóng từ 0% lên 5% và giữ nguyên mức 0% như hiện hành.

Đề xuất này từng được đưa ra mục đích là để lo ngại thép cuộn cán nóng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, kéo theo giá thép trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước. Hiện nay Việt Nam nhập khẩu một nửa trong số 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm và chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hiệp hội thép Việt Nam phát hiện ra rằng, nếu áp thuế 5% thì lượng thép cán nóng nhập từ Trung Quốc về vẫn tăng bởi Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), nên đương nhiên thép cuộn cán nóng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0%.

Mặt khác, nếu tăng thuế từ các nguồn nhập khác thì giá thành đầu ra của tôn mạ sản xuất trong nước (nguyên liệu là thép cán nóng nhập khẩu sẽ tăng thêm 6-8%).

Thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng của Việt Nam hàng năm là 10-11 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất tối đa của Khu liên hợp Gang thép Formosa đáp ứng được 36% nhu cầu thị trường trong năm 2019. Khi Hòa Phát Dung Quất đi vào sản xuất từ 2020 mới đáp ứng được 60% nhu cầu tại nội địa.

Ở một diễn biến khác, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 2703 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép các bon cán nguội dạng cuộn cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Vụ việc này được khởi xướng điều tra dựa trên Hồ sơ yêu cầu của 3 doanh nghiệp sản xuất thép cán nguội lớn là Công ty TNHH Posco Việt Nam, Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và Công ty TNHH MTV thép tấm lá Phú Mỹ.

Cáo buộc của các doanh nghiệp cho rằng các sản phẩm thép không hợp kim hoặc hợp kim cán phẳng dạng cuộn, dạng tấm chưa được gia công quá mức cán nguội nhập từ Trung Quốc đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất cán nguội tại Việt Nam.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294272/dieu-tra-thep-can-nguoi-khong-tang-thue-thep-can-nong.html