Điều tra thép HRC bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại đã nhận đủ hồ sơ

Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.

Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) thông tin Cục đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu), yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.

Ngày 1/4/2024, Cơ quan điều tra ra thông báo đề nghị Bên yêu cầu bổ sung nội dung của hồ sơ yêu cầu điều tra nói trên.

Ngày 26/4/2024, Bên yêu cầu nộp bổ sung các thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan điều tra.

Ngày 13/5/2024, Cơ quan điều tra ra thông báo đề nghị Bên yêu cầu tiếp tục bổ sung lần thứ 2 một số nội dung của hồ sơ yêu cầu điều tra.

Ngày 31/5/2024, Bên yêu cầu đã nộp bổ sung, hoàn thiện các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Ngày 14/6/2024, Cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.

Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm: Xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.

Xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Để phục vụ công tác thẩm định hồ sơ, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa bị đề nghị điều tra, Cơ quan điều tra đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa tương với hàng hóa bị đề nghị điều tra cung cấp các thông tin có liên quan, cụ thể như sau: Thông tin về loại hình doanh nghiệp (sản xuất, thương mại…); Công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm thép cán nóng từ năm 2020 đến năm 2023; Ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến); Bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.

Thời hạn cung cấp các thông tin nêu trên là ngày 5/7/2024.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Liên quan đến vụ việc trên, trước đó ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Hòa Phát (HOSE: HPG) cho biết, Hòa Phát cùng với Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc vào ngày 19/03.

"Đối với Hòa Phát, quan điểm của chúng tôi đơn giản là khi phát hiện dấu hiệu của việc bán phá giá, chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước. Ngành thép là ngành xương sống của nên công nghiệp và chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ ủng hộ việc này", ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, động thái này nhằm ngăn chặn các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, cố tình bán dưới giá thành. Và Hòa Phát tự tin cạnh tranh với các công ty thép lớn của Trung Quốc hoạt động một cách nghiêm túc.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dieu-tra-thep-hrc-ban-pha-gia-cuc-phong-ve-thuong-mai-da-nhan-du-ho-so-d112107.html