Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng: Chủ động thích ứng, tăng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ

Những năm gần đây, Hoa Kỳ liên tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trước nhiều chính sách mới về phát triển bền vững, tiêu dùng xanh, phòng vệ thương mại của thị trường này, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt tình hình, chủ động thích ứng, chuyển hướng sản xuất…

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng.

Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng.

Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng.

Thị trường xuất khẩu số 1

- Xin ông cho biết tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua?

- Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy, đà tăng trưởng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì. Theo đó, xuất khẩu đạt 44,43 tỷ USD, tăng 22,3% (chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), nhập khẩu đạt 5,18 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 49,61 tỷ USD, tăng 18%; thặng dư thương mại đạt 39,25 tỷ USD, tăng 28%.

Hiện Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,9 tỷ USD (tăng 50%); hàng dệt may đạt 5,6 tỷ USD (tăng 3%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 3,3 tỷ USD (tăng 26%); giày dép đạt 3 tỷ USD (tăng 12,6%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,3 tỷ USD (tăng 11%); điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,6 tỷ USD (tăng 28,4%)… Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

- Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo ông, lý do nào giúp hàng hóa Việt Nam chinh phục được thị trường này?

- Có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng được phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.

Tìm hiểu kỹ quy trình điều tra phòng vệ thương mại

- Ông có thể cho biết một số chính sách kinh tế, thương mại mới thay đổi của Hoa Kỳ? Yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để thích ứng các quy định mới này là gì?

- Quy định sửa đổi pháp luật phòng vệ thương mại đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông qua và có hiệu lực năm 2024. Quy định này liên quan tới điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định một số hình thức trợ cấp mới. Đặc biệt, trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề xác định “tình huống thị trường đặc biệt” trong điều tra chống bán phá giá cũng như hàng loạt cách tiếp cận, xác định trong điều tra chống trợ cấp cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu dự luật về việc yêu cầu chính quyền cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với hoạt động sản xuất một số hàng hóa nhất định, bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ. Dự luật được cho là sẽ buộc các nước xuất khẩu phải chịu trách nhiệm cao hơn đối với lượng khí thải phát ra của mình. Nếu được thông qua, dự luật sẽ yêu cầu Bộ Năng lượng Hoa Kỳ phối hợp với Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ Thương mại Hoa Kỳ và một số cơ quan khác tiến hành một nghiên cứu toàn diện với các nội dung nêu trên. Đáng chú ý, việc này tập trung vào nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực như: Thép, nhôm, xi măng, pin lithium-ion, pin và tấm pin năng lượng mặt trời, một số khoáng chất quan trọng.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hiện chú trọng xây dựng, phát triển các nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng xanh cũng đang được ưa chuộng tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp thường quảng bá hình ảnh sản phẩm xanh để thu hút người tiêu dùng. Do vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp của Việt Nam cần nghiên cứu, chuyển hướng sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa tại thị trường Hoa Kỳ.

- Tuy là thị trường tiềm năng song Hoa Kỳ cũng chiếm gần 25% số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam. Ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp nước ta về vấn đề này?

- Hoa Kỳ không chỉ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam mà còn là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác. Nhập khẩu gia tăng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nước của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh.

Các ngành xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao. Tiêu biểu như các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm... và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần xác định, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại sẽ luôn hiện hữu cùng với gia tăng xuất khẩu và cần chủ động trong kế hoạch ứng phó. Trước hết, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ pháp luật, quy trình điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu đề phòng vụ việc xảy ra. Trong trường hợp xảy ra vụ việc, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam, như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và cơ quan điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong việc cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu.

- Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ có những giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường Hoa Kỳ, nhất là về đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, phòng vệ thương mại, thưa ông?

- Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu, chinh phục thị trường Hoa Kỳ, cơ quan thương vụ luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, bạn hàng đáng tin cậy, cũng như tìm hiểu các cơ hội đầu tư, xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, thương vụ cũng hỗ trợ doanh nghiệp khi cần xác minh doanh nghiệp đối tác tại Hoa Kỳ để giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh, hợp tác. Đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại, trước hết thương vụ sẽ theo dõi thông tin, số liệu để có thể đưa ra cảnh báo nguy cơ vụ việc có thể xảy ra. Trong trường hợp vụ kiện phòng vệ thương mại được khởi xướng, thương vụ sẽ phối hợp với các bên liên quan làm việc, trao đổi với cơ quan chức năng tại Hoa Kỳ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tham-tan-thuong-mai-thuong-vu-viet-nam-tai-hoa-ky-do-ngoc-hung-chu-dong-thich-ung-tang-xuat-khau-hang-hoa-sang-hoa-ky-670010.html