Điều tra, truy tố, xử lý nghiêm tội phạm 'tín dụng đen'
Thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương ra quân đấu tranh không khoan nhượng, liên tục đánh trúng, đánh mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến 'tín dụng đen'. Cơ quan điều tra khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với loại tội phạm tinh vi, manh động, liều lĩnh và nguy hiểm này.
Quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ nhóm 3 đối tượng để điều tra làm rõ hoạt động cho vay lãi nặng (CVLN) trong giao dịch dân sự. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đặng Thị Vân (SN 1973), Đặng Thành Tín (SN 1996), Đặng Văn Rin (SN 1989) cùng trú tại 6/238 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế. Theo điều tra ban đầu, từ khoảng năm 2018, đối tượng Vân cho một số người dân, người lao động, tiểu thương buôn bán vay tiền, có lấy lãi. Đến năm 2020, Vân rủ thêm hai người cháu ruột là Rin và Tín đến ở tại nhà Vân để phụ giúp hoạt động cho vay của Vân. Kết quả điều tra ban đầu, xác định từ năm 2020 đến nay, các đối tượng đã cho vay 725 triệu đồng với lãi suất từ 109% đến 365%/năm, thu lợi bất chính hơn 244 triệu đồng.
Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Tài (SN 1992), trú tại thị trấn Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa có hành vi CVLN. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023, Tài cho chị Lê Thị T.M., trú tại phường Trường An, TP. Huế vay số tiền 300 triệu đồng. Tài cho vay lãi suất lên đến 730%/năm, thu lợi bất chính hơn 110 triệu đồng. Côn đồ hơn khi chị M không có tiền trả, Tài đã dùng tay, chân, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích.
Chỉ tính thời gian từ tháng 4/2022 đến nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 11 vụ/12 đối tượng về tội “CVLN trong giao dịch dân sự”; đồng thời xử phạt hành chính 4 vụ/6 đối tượng về hành vi “CVLN” và hành vi phát tờ tơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị... Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị phối hợp các đơn vị chức năng thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, kiểm tra công tác lưu trú tại trên 200 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê,… lập danh sách các cơ sở cầm đồ, cho 142 cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định, điều kiện về an ninh trật tự. Qua kiểm tra 211 cơ sở đã phát hiện, xử lý 21 cơ sở vi phạm, phạt hành chính số tiền hơn 110 triệu đồng.
Cảnh giác cao độ
Theo Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, thời gian qua, hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh không diễn biến phức tạp, việc vi phạm pháp luật liên quan loại tội phạm này không nhiều. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà tội phạm “tín dụng đen” vẫn tồn tại và hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu, một số đối tượng là người địa phương hoặc các tỉnh phía Bắc đến địa bàn Thừa Thiên Huế tạm trú, hoạt động đơn lẻ hoặc theo nhóm để cho vay “tín dụng đen”. Số này thường cho vay những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, buôn bán có thu nhập thấp, các đối tượng chuyên cờ bạc, nợ nần, thanh, thiếu niên hư và thường cho vay số tiền không lớn, thủ tục đơn giản.
Nổi lên là cho vay theo hình thức online qua các hội nhóm, mạng xã hội; các đối tượng lợi dụng không gian mạng lập ra các nhóm như: “Vay tiền ở Huế”, “Vay tiền nhanh ở Huế”,… đăng tải nhiều bài viết cho vay lãi suất thấp, cho vay tiền trả góp theo ngày; hoạt động CVLN qua ứng dụng điện thoại “App”; thậm chí nhiều người dân khi tiếp cận các “App” thấy thủ tục cho vay đơn giản, chỉ cần thao tác đăng ký trên điện thoại và nhận tiền ngay qua tài khoản nên đã đăng ký cho vay. Trong khi không biết các ứng dụng này có tính năng thu thập dữ liệu thông tin chuyển danh bạ người vay về máy chủ. Nhiều trường hợp khi mất khả năng trả nợ đã bị các đối tượng này gọi điện đe dọa, gọi đến bạn bè, người thân để thông báo, ghép ảnh người vay với hình phản cảm, thông tin sai sự thật rồi đăng lên mạng xã hội để đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây áp lực, buộc người vay phải trả nợ với lãi suất “cắt cổ”…
Theo Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP. Huế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc, Công an thành phố liên tục ra quân, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương, kiên quyết đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, chú trọng phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền phương thức, thủ đoạn gây án để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác; tập trung nắm tình hình từ sớm, từ xa, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội để răn đe, cảnh tỉnh cho các đối tượng khác.
Để phòng chống tội phạm CVLN, Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo, các ứng dụng cho vay tiền nhanh... tránh trường hợp vay thì dễ trả thì khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng CVLN đe dọa, khủng bố về tinh thần làm ảnh hưởng bản thân, gia đình và gây mất tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.