Điều tra vụ án thi thể cổ nhất Trung Quốc
Vào tháng 5 năm 1994, một thi thể cổ được phát hiện ở thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Nam. Đây là thi thể người phụ nữ thời Chiến Quốc sống cách đây gần 2.400 năm được bảo tồn hoàn chỉnh nhất về ngoại hình và xương cốt. Thi thể này còn được phát hiện trước thi thể người phụ nữ ở ngôi mộ Mã Vương Đối thời Tây Hán ở Trường Sa hơn 100 năm.
Điều đáng tiếc là thi thể này bị bọn mộ tặc lấy từ trong mộ ra rồi vùi vào trong một vũng bùn đất 39 ngày mới tìm thấy. nếu không bị bọn mộ tặc phá hoại thì đây sẽ là một thi thể cổ nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất của Trung Quốc.
Thi thể từ thời Chiến Quốc
Thời Chiến Quốc, Hồ Bắc thuộc nước Sở, đô thành nước Sở lúc bấy giờ gọi là thành Kỷ Nam. Thôn Quách Đài, trấn Kỷ Sơn, huyện Sa Dương tỉnh Hồ Bắc nằm ở phía tây sông Hán Giang, ngày xưa là ngoại vi đô thành được cho là nơi phong thủy bảo địa nên Vương công quý tộc thành Kỷ Nam khi chết đều táng ở đó.
Thời gian lưu truyền mấy ngàn năm trấn Kỷ Sơn có một quần thể mộ của các Vương hầu, tầng lớp quý tộc nước Sở thời kỳ Chiến Quốc bao gồm mộ của Sở Trang Vương, mộ của các Phi tử gồm gần 300 ngôi mộ cao to vô cùng hoành tráng, ngoài ra còn vô số những ngôi mộ đất do thời gian bị san bằng hoặc mộ cổ nhỏ thì không có cách gì đếm được.
Vụ án "Thi thể cổ nhất Trung Quốc" phát sinh thời gian trước và sau tết Nguyên đán năm 1994. Ngôi mộ số 1 Quách Gia Cương trong quần thể mộ cổ khu vực Kỷ Sơn đã bị bọn mộ tặc xâm nhập lấy đi một số văn vật cổ có giá trị nhưng điều quan trọng nhất là một thi thể phụ nữ thời Chiến Quốc rất hoàn chỉnh hơn 2 ngàn năm cũng đã bị bọn mộ tặc phá hoại.
Bọn mộ tặc đã có những hành động hủy hoại thi thể một cách tàn nhẫn như nhổ tóc, bóc hết lụa là quần áo rồi buộc dây vào cổ kéo thi thể trên đất sau đó vùi thi thể xuống vũng bùn đất làm cho người ta căm phẫn và thất vọng và phải mất 39 ngày thi thể này mới được tìm thấy. Ngoài thi thể người phụ nữ này cảnh sát còn thu hồi được hơn 20 văn vật quý hiếm. Vụ án này trở thành vụ án "thi thể cổ nhất Trung Quốc" chấn động cả nước lúc bấy giờ.
Lời khai của bọn tội phạm
Khi được tin ngôi mộ số 1 Quách Gia Cương trong quần thể khu mộ cổ thời Chiến Quốc bị mộ tặc, cảnh sát và Cục Bảo tồn di sản đã đến hiện trường để điều tra. Bọn mộ tặc đã đào một đường hầm đi vào trong ngôi mộ và lấy đi nhiều thứ cổ vật có giá trị. Một ban chuyên án gồm hơn 10 người được thành lập để điều tra vụ án.
Bước đầu ban chuyên án khẳng định rằng vụ án này có liên quan đến nhiều người dân trong thôn Quách Điếm nên chia nhau đến từng hộ nhà dân dò hỏi tình hình vụ án và động viên mọi người cung cấp manh mối cho cảnh sát.
Không lâu sau, một lá thư nặc danh gửi cho ban chuyên án tố cáo những hành vi tội ác của nhóm mộ tặc do Lý Nghi Hải, Quách Bình cầm đầu. Hai ngày sau, một bức thư nặc danh khác báo rằng Lý Thế Bưu, một cán bộ thôn Tứ Phương ngấm ngầm câu kết với bọn mộ tặc để kiếm lợi từ việc đào trộm mộ lấy cổ vật.
Chỉ trong 5 ngày đã có 9 bức thư gửi đến ban chuyên án tố cáo hành động phạm tội của những tên mộ tặc. Một điều làm chấn động là có bức thư tố cáo rằng "Bọn đào trộm mộ có hơn chục người, trong đó có Lý Nghi Hải, Quách Bình, Lý Hoa, Lý Tân... Bọn chúng đã vào trong một ngôi mộ có một thi thể phụ nữ vẫn như đang nằm ngủ và lấy đi rất nhiều cổ vật giá trị không thể tính được".
Cho đến thời điểm này, vụ án về thi thể người phụ nữ cổ dần dần nổi lên. Cục trưởng cục Công an Sa Dương lúc bấy giờ là Phùng Trung Lương biết tình hình rất nghiêm trọng nên đã điều động thêm lực lượng cảnh sát có kinh nghiệm để nhanh chóng phá vụ án.
Quách Bình, Lý Tân, Lý Hoa lập tức bị công an triệu tập, riêng tên cầm đầu Lý Nghi Hải đã xa chạy cao bay để trốn tội.
Ban chuyên án đã triệu tập cuộc họp toàn thôn dân Quách Điếm vận động những tên mộ tặc ra đầu thú. Mấy ngày sau đã có 13 dân thôn tham gia mộ tặc đã đến cơ quan công an đầu thú, trong đó có 3 người tham gia vào vụ "ngôi mộ số 1 Quách Gia Cương"; những người đầu thú còn mang nộp 14 cổ vật đã lấy ở trong mộ.
Theo lời khai của bọn mộ tặc khi công an tìm được thi thể người phụ nữ này thì thi thể này đã bị vùi ở trong một hố bùn đất được 39 ngày. Thi thể được quấn chặt bằng vải lụa, da dẻ đã trở thành màu đen nhiều chỗ ở chân và tay đã xuất hiện sự tổn hại, tóc bị kéo dứt khá nhiều, ở cổ vẫn còn tròng một sợi dây thừng, mọi người nhìn thấy mà vô cùng đau xót.
Ủy ban di sản nhà nước gồm 26 vị chuyên gia giám định và kết luận rằng thi thể người phụ nữ cao 1,62m này được bảo tồn từ thời Chiến Quốc cách đây đã 2400 năm. Mặc dù thi thể bị bọn mộ tặc đối xử tàn nhẫn làm tổn hại nhiều chỗ nhưng có điều kỳ diệu là thi thể vẫn không bị phân hủy mà da vẫn có đàn tính, các khớp chân và tay vẫn có thể co giãn.
Đây là một thi thể có thể nói là cổ nhất của Trung Quốc phát hiện được trong tình trạng bảo tồn hoàn chỉnh về ngoại hình, nếu không bị sự đối xử tàn nhẫn của bọn mộ tặc thì thi thể này sẽ là thi thể cổ nhất được bảo tồn hoàn chỉnh nhất vì da dẻ vẫn tươi sáng, mềm mại và sẽ không có một xác ướp nào hoàn hảo được như vậy.
Bọn mộ tặc khai rằng một đêm khuya đầu tháng 2, Lý Nghi Hải, Quách Bình và đồng bọn hơn một chục tên tiến vào khu mộ cổ ở thôn Quách Đài. Ngôi mộ cổ có đường hầm sâu khoảng 5m. Khi bọn chúng vào trong hầm mộ thấy gian hầm mộ rộng hơn 10m2 cao hơn 2m, ở giữa có một cỗ quan tài rất to, đây đúng là mộ của tầng lớp quý tộc. Trong hầm mộ rất bừa bộn, mặt đất nhơm nhớp bùn, nhiều vật dụng vứt bừa bãi, hình như ngôi mộ này đã có kẻ nhanh chân hơn bọn chúng.
Sau khi khua khoắng một hồi, Lý Nghi Hải dùng dìu phá nắp chiếc quan tài gỗ ở giữa hầm mộ và giật mình bên trong là thi thể người phụ nữ vẫn nguyên vẹn như đang nằm ngủ. Đặc biệt đôi mắt của thi thể cảm giác như đang trừng trừng nhìn bọn hắn.
Lý Nghi Hải "A!" lên một tiếng rồi cả bọn hoảng hồn chạy khỏi hầm mộ.
Lần vào hầm mộ này bọn chúng lấy được hơn 10 thứ gồm tượng gỗ, một bộ nhạc khí Sở Quốc, gương đồng và các hộp bằng tre. Tất cả đưa cho Lý Hoa cất giữ.
Khi về nhà, bọn chúng cho rằng ngày xưa người ta thường giấu bảo bối trong thi thể và bọn chúng quyết định quay lại hầm mộ. Đêm khuya ngày 7 tháng 3, Lý Nghi Hải cùng Quách Bình và 9 tên đồng bọn nữa lại lén lút chui vào hầm mộ.
Tên Quách Bình dùng rìu phá chỗ hở trên nắp quan tài rộng thêm sau đó bọn chúng buộc dây thừng vào cổ "Lão tổ tông" kéo ra khỏi hầm mộ. Bọn chúng xem xét khắp người "Lão tổ tông" nhưng cũng không có gì. Tên Lý Nghi Hải thấy lớp vải lụa quấn quanh thi thể rất đẹp, hắn nghĩ là vải này cũng có giá nên bọn chúng lột lấy cho vào bao tải.
Xong việc bọn chúng cầm dây thừng buộc ở cổ kéo "Lão tổ tông" qua mấy thửa ruộng đầy bùn và cỏ dại đến chỗ cách mộ cũ khoảng hơn 30m rồi vùi "Lão tổ tông" xuống một cái hố đầy bùn đất.
Thật xót xa khi "Lão tổ tông" đã yên nghỉ hơn hai ngàn năm bị bọn mộ tặc vùi xuống bùn đất nếu không kịp phát hiện thì không còn cách nào mà phục hồi như hiện nay được.
Với hành động như vậy bọn mộ tặc phạm tội ác tày trời, cuối cùng bọn chúng phải đền tội.
Trong vụ án này, công an Sa Dương đã bắt tất cả 23 tên tội phạm, hồi được hơn 20 văn vật vô cùng giá trị. Ngày 23 tháng 5 năm 1995, Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Hồ Bắc đã kết án tử hình các tên Quách Bình, Lý Tân và Lý Hoa, riêng tên cầm đầu Lý Nghi Hải bỏ trốn đến năm 2017 thì bị bắt và cũng bị kết án tử hình.
23 năm truy bắt kẻ trốn chạy
Công việc quan trọng nhất của ban chuyên án là phải bắt bằng được Lý Nghi Hải nhưng Lý Nghi Hải có còn sống không? Hắn ở trong tỉnh hay ngoài tỉnh? Liệu hắn còn ở trong nước không? 23 năm rồi, việc truy bắt Lý Nghi Hải là "tâm bệnh" của cục công an Sa Dương. Hết lần này đến lần khác, nhiều đối tượng được đưa vào tầm ngắm, nhưng cuối cùng vẫn không có manh mối giá trị nào.
Theo sự phát triển của thời đại, khoa học kỹ thuật hình sự về ảnh chân dung cũng không ngừng phát triển. Cảnh sát hình sự muốn dùng một tấm ảnh của người tình nghi để đối chiếu so sánh trong lúc truy tìm đối tượng nhưng sự thật không hề đơn giản vì lúc đó công an Sa Dương chỉ có một tấm ảnh Lý Nghi Hải chụp lúc còn trẻ mà lại là ảnh đen trắng.
Đến tháng 3 năm nay, trong công việc so sánh đối chiếu xuất hiện một loại máy chuyên dùng. Công an Sa Dương nhận được một bức ảnh đối tượng để so sánh: Ảnh của đối tượng tên là Phùng Kiệt do công an thành phố Kinh Châu cung cấp. Sau khi đối chiếu so sánh ảnh đối tượng và ảnh Lý Nghi Hải thấy có sự giống nhau đến 90%.
Vậy đây có phải là Lý Nghi Hải không? Cục Công an Sa Dương lập tức cử các nhóm cảnh sát điều tra: Một nhóm có trách nhiệm phải lấy được mẫu ADN của bố mẹ Lý Nghi Hải để tiến hành điều tra bằng phương pháp đối chiếu ADN.
Một nhóm khác đi đảo Hải Nam điều tra tung tích đối tượng mang tên Phùng Kiệt. Nhóm đến Hải Nam phối hợp với công an địa phương thấy nét mặt Phùng Kiệt có các nét đặc trưng rất giống với Lý Nghi Hải, về thân phận là hai người cùng sinh năm 1968 và điểm nữa là Phùng Kiệt cũng mới đến Hải Nam sống hơn 10 năm nay. Cuối cùng ban chuyên án đưa ra kết luận xác định Phùng Kiệt và Lý Nghi Hải chỉ là một người và lệnh bắt Phùng Kiệt lập tức được thi hành.
Khi bị bắt, Phùng Kiệt một mực phủ nhận mình là Lý Nghi Hải; chỉ khi công an đưa ảnh bố mẹ hắn ra và nói là sẽ giám định ADN với người thân thì hắn mới cúi đầu nhận tội.
Lý Nghi Hải khai rằng sau khi biết tin đồng bọn bị công an bắt còn hắn vội cao chạy xa bay, hắn đến Kinh Châu làm quen với cô gái tên là Mã Lệ con một công an huyện và hắn đã lừa cô gái là mình mất hết giấy tờ hộ khẩu và nhân cơ hộ này thay tên đổi họ làm lại giấy tờ để "tẩy trắng" lý lịch của mình. Khi nghe tin đồng bọn của hắn có 3 tên bị án tử hình, hắn biết là tội của hắn rất nặng, nếu bị bắt thì cũng không thoát khỏi tội chết.
Năm 1998, hắn chia tay với Mã Lệ và đến Hải Nam làm nghề nuôi tôm sinh sống. Năm 2009, hắn kết hôn với một người con gái người địa phương Hải Nam, tháng 3 năm nay cô này sinh cho hắn được một đứa con trai. Sống ở Hải Nam thậm chí hắn đã quên đi cái tên thật của hắn và tưởng rằng mình sẽ được sống những ngày tốt đẹp.
Ngày 10 tháng 5 năm 2017, nhà hắn có tiếng gõ cửa và nghe thấy người nói tiếng Hồ Bắc gọi tên thật của hắn, hắn đang nằm ngủ mà toàn thân run lên".
Vụ án "Thi thể cổ nhất Trung Quốc" kết thúc sau 23 năm.