Điều tra, xác minh, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật

Ngày 7/5, Viện Kiểm sát Nhân dân, Cảnh sát Điều tra các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Hà Nội đã ra quyết định xử lý, điều tra, khởi tố nhiều vụ vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 7/5, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Dương xác nhận việc khởi tố ông Thái Huỳnh Ngân, Giám đốc Công ty Công trình công cộng thành phố Tân Uyên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành bắt tạm giam ông Ngân ngày 6/5.

Ông Thái Huỳnh Ngân được bổ nhiệm là Giám đốc Công ty Công trình công cộng thành phố Tân Uyên từ tháng 8/2023. Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ bãi rác Tân Hiệp đến Công ty Biwase theo Hợp đồng nguyên tắc ký kết đã không diễn ra theo quy trình.

Ông Ngân bị cáo buộc vi phạm hợp đồng vận chuyển bằng cách bổ sung xe không tham gia vào danh sách vận chuyển. Hành vi này đã gây ra thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023 gần 2,5 tỷ đồng; trong đó hơn 1,7 tỷ đồng tiền xử lý rác và hơn 700 triệu đồng tiền thuê xe vận chuyển.

Hành vi trên của Thái Huỳnh Ngân có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Vụ việc đang được Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Trần Thị Thấm (sinh năm 1981, trú tại xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Tại Cơ quan điều tra, Thấm khai nhận, vào khoảng tháng 2/2024, Thấm sử dụng mạng xã hội Facebook truy cập vào một số hội nhóm thấy có bài viết đăng bán nhiều loại giấy tờ giả, bằng cấp giả khác nhau, trong đó có giấy khám sức khỏe giả.

Qua số điện thoại trên bài viết, Thấm đã đặt mua với giá 100.000 đồng/tờ để đi xin việc và bán cho người có nhu cầu với giá 150.000 đồng/tờ.

Tháng 4/2024, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện, bắt quả tang Thấm có hành vi bán 7 giấy khám sức khỏe được ghi sẵn kết quả khám, có chữ ký của các bác sỹ khám, xét nghiệm và được đóng dấu của bệnh viện nhưng không ghi ngày, tháng; không điền thông tin người khám bệnh.

Quá trình bắt giữ, Thấm đã tự nguyện giao nộp thêm 13 giấy khám sức khỏe khác với các nội dung tương tự.

Qua đấu tranh và xác minh sơ bộ ban đầu, Cơ quan điều tra xác định toàn bộ số giấy tờ thu giữ của Thấm đều là giả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đang điều tra nhằm chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của Thấm và mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Ngày 7/5, theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 5/4, bà P. (sinh năm 1956, hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền.

Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bị bắt. Do lo sợ nên bà P. đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P. đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng.

Sau đó, bà P. biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thủ đoạn giả danh cơ quan Công an và các cơ quan tố tụng gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, “sập bẫy” của các đối tượng.

Để phòng tránh bị lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ Công an thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại.

Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dieu-tra-xac-minh-xu-ly-nhieu-vu-vi-pham-phap-luat-post945134.vnp